Nhiều cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Israel
Quang cảnh vòng đàm phán thứ 11, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel ngày 5/8. (Ảnh: TTXVN phát)
Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Israel trong những năm qua phát triển tốt. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai nước khi được ký kết trong tương lai sẽ mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Israel đang bước vào giai đoạn cuối. Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 1/2023.
Hai bên đang tích cực hoàn tất chuẩn bị để tiến đến sớm kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định trong thời gian tới, qua đó góp phần mở cửa thị trường, giảm thuế, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp tục tiếp cận và thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường Israel. Đây cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng các thị trường mới, thị trường ngách, thị trường ở xa, bên cạnh những thị trường truyền thống.
Nói về những thách thức trong tiếp cận thị trường Israel, ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, cho biết thị trường này có một số đặc điểm các doanh nghiệp cần lưu ý để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu hàng hoá trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, là đất nước có đặc trưng tôn giáo và sắc tộc, nên các doanh nghiệp người Do Thái thường yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Kosher, trong khi các doanh nghiệp người Arab có thể yêu cầu chứng nhận Halal, đối với một số chủng loại hàng hóa nhất định, chủ yếu đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Đây là hai loai chứng nhận mang tính chất tôn giáo và thường phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của người nhập khẩu theo từng lần giao dịch hoặc từng lô hàng mua bán.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Israel kinh doanh năng động, thích ứng nhanh với biến động thị trường, làm ăn khá bài bản và nghiêm túc. Họ giao dịch nhanh, luôn chủ động tìm kiếm đối tác bạn hàng qua nhiều kênh khác nhau, thích gặp gỡ trực tiếp đối tác bạn hàng và đến tận nơi xem hàng hóa tại nhà máy sản xuất, muốn mua hàng trực tiếp của nhà sản xuất và không muốn qua trung gian. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu Israel có nhu cầu đa dạng và sức mua ổn định, khả năng thanh toán cao, sẵn sàng đặt cọc hoặc trả tiền trước.
Thứ hai, mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn nhưng nhu cầu nhập khẩu của Israel lại khá lớn, vòng quay tiêu dùng nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm.
Tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, càphê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại...), kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng.
Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Các mặt hàng thành phẩm sẽ được đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay. Đây chính là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel.
Thứ ba, đối với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, Israel yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa nhiều khi mang tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt.
Để tăng cường nguồn cung cấp hàng hóa từ bên ngoài và tính cạnh tranh trên thị trường, Israel đã thực hiện một số cải cách nhập khẩu và tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận ở những nước phát triển.
Về việc này, Thương vụ Việt Nam tại Israel đã xuất bản các ấn phẩm Sổ tay các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản và thực phẩm vào Israel trong năm 2021; ấn phẩm Sổ tay rà soát chính sách nhập khẩu mới của Israel trong năm 2022. Các ấn phẩm này đều đã được đăng tải công bố trên các trang mạng Internet.
Thứ tư, thời gian qua, Thương vụ thường xuyên cung cấp các thông tin về diễn biến thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại và quy định nhập khẩu mới, xuất bản các ấn phẩm hướng dẫn doanh nghiệp, định hướng mặt hàng xuất khẩu, cơ hội giao thương, trực tiếp giới thiệu đối tác bạn hàng, đăng tải danh sách các công ty kinh doanh của Israel có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp và đối tác tại Việt Nam.
Thương vụ cũng giúp doanh nghiệp trong nước xác minh, thẩm tra tư cách pháp nhân, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham dự các triển lãm giới thiệu quảng bá mặt hàng xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với đối tác tại Israel.
Thứ năm, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng người mua Israel, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel mới ban hành.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường Israel; cụ thể là chủ động sang khảo sát, tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được tổ chức tại Israel, trực tiếp gặp gỡ đối tác bạn hàng để phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau, qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị tại Israel, do đây là địa bàn nhạy cảm về các xung đột và bất ổn có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.
Ông Lê Thái Hòa khẳng định, trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp trong nước có thể liên hệ trực tiếp với Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời cũng như được cung cấp các thông tin hữu ích khi giao dịch, hợp tác kinh doanh với các đối tác bạn hàng tại thị trường Israel.
Theo Vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-sang-thi-truong-israel-tiem-nang-moi-thach-thuc-moi/853447.vnp
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Olivier Becht, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Thu hút kinh tế và người Pháp ở nước ngoài, nhân dịp thăm Việt Nam.
|
Indonesia tăng dự trữ quốc gia lên 2,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu gạo Việt Nam có cơ hội?
Indonesia là một trong ba thị trường truyền thống xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam ở Đông Nam Á. Sau 3 năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, năm 2022 Indonesia đã nhập khẩu 500.000 tấn, và năm 2023 dự kiến là 2,4 triệu tấn. Đây là một cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
|