Nhân rộng mô hình câu lạc bộ trang bị kỹ năng sống cho nữ sinh dân tộc thiểu số
Tại Trường Trung học phổ thông Võ Nhai (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), mỗi chiều thứ 4, thứ 6 hàng tuần, các thành viên Câu lạc bộ nữ sinh lại tổ chức sinh hoạt nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức, kĩ năng sống. Các buổi sinh hoạt diễn ra sôi nổi với nhiều chủ đề thiết thực, như kỹ năng quản lý tài chính, bình đẳng giới, hiểu đúng về quá trình dậy thì, tác động tiêu cực của mang thai ở tuổi vị thành niên... Tại mỗi buổi sinh hoạt, câu lạc bộ đưa ra một chủ đề chung để các thành viên cùng thảo luận, chia sẻ ý kiến. Những câu hỏi xung quanh chủ đề đều được các thành viên nòng cốt giải đáp rành mạch, thấu đáo.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ nữ sinh tại tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: VCF) |
Nguyễn Thùy Dương, nhóm trưởng nhóm nòng cốt của Câu lạc bộ nữ sinh Trường Trung học phổ thông Võ Nhai cho biết: "Thời gian đầu hoạt động, các thành viên còn rụt rè, chưa hòa đồng vì các bạn học khác lớp. Nhưng chỉ sau 2, 3 buổi, các bạn đã tham gia sôi nổi, tích cực vào các hoạt động trao đổi, thảo luận, thuyết trình, trò chơi...do câu lạc bộ tổ chức".
Theo Đào Lệ Hân, dân tộc Mông, học sinh Trường Trung học phổ thông Võ Nhai, các nữ sinh học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng từ các buổi sinh hoạt câu lạc bộ: "Ở buổi sinh hoạt về chủ đề mang thai ở tuổi vị thành niên, chúng em hiểu rõ được những tác động tiêu cực của việc mang thai ở độ tuổi này và cách tự bảo vệ mình. Ở buổi sinh hoạt trước về quản lý tài chính, từ số tiền 200 nghìn đồng bố mẹ cho trong 1 tuần, em biết cách cân đối chi tiêu khi ở ký túc xá".
Cô giáo Trần Thị Hường, phụ trách Câu lạc bộ nữ sinh chia sẻ: Năm học 2022-2023, toàn trường có 710 học sinh, trong đó nữ sinh dân tộc thiểu số chiếm 40%, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chí, Cao Lan, Mông. Qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, các em có thêm kiến thức để cân đối chi tiêu, biết tự bảo vệ mình.
Thông qua nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, các Câu lạc bộ nữ sinh hướng tới trang bị kiến thức, kĩ năng sống cho học sinh nữ. (Ảnh: VCF) |
Trường Trung học phổ thông Võ Nhai là một trong 8 trường tại tỉnh Thái Nguyên (THPT Bắc Sơn, THPT Định Hóa, THPT Phú Bình, THPT Phú Lương, THPT Võ Nhai, THPT Nguyễn Huệ, THPT Lý Nam Đế,THPT Trại Cau) được tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) tài trợ thực hiện dự án “Nền tảng học tương tác trực tuyến Câu lạc bộ nữ sinh” trong giai đoạn 2022-2023.
Nằm trong khuôn khổ chương trình Mở đường đến Tương lai - hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho nữ sinh dân tộc thiểu số tại Việt Nam của của VCF, dự án nhằm mục đích khuyến khích nữ sinh dân tộc đến trường, trang bị cho các em kĩ năng sống; kĩ năng quản lý tài chính, tổ chức, điều phối hoạt động cộng đồng; kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính... Dự án hỗ trợ chi phí vận hành Câu lạc bộ nữ sinh; trang bị phòng đa phương tiện tại mỗi trường (bao gồm máy tính, màn hình trình chiếu và hệ thống hội nghị trực tuyến), qua đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh truy cập tài liệu và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ. Dự án nhận được sự tham gia nhiệt tình của 344 nữ sinh, trong đó có 276 nữ sinh thuộc nhóm dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao...
Ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VCF trao học bổng cho các nữ sinh tiêu biểu tại lễ tổng kết dự án “Nền tảng học tương tác trực tuyến câu lạc bộ nữ sinh” dành cho nữ sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên,ngày 13/4. (Ảnh: VCF) |
Sau hai năm hoạt động, Câu lạc bộ nữ sinh của 8 trường đã tổ chức 342 buổi sinh hoạt, chia sẻ kiến thức tới hơn 8.500 học sinh tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, dự án mang đến cho các học sinh, nhất là nữ sinh dân tộc thiểu số, góc nhìn cởi mở, sáng tạo, sự tự tin và các kỹ năng cần thiết nhằm giúp các em phát triển bản thân, từ đó đóng góp cho sự phát triển của địa phương, cộng đồng.
Tại lễ tổng kết dự án “Nền tảng học tương tác trực tuyến câu lạc bộ nữ sinh” dành cho nữ sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên, tổ chức ngày 13/4, ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VCF chia sẻ: “Qua việc triển khai thành công dự án này tại tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi tích cực và đáng trân trọng ở các em nữ sinh tham gia câu lạc bộ. Qua đó, chúng tôi mong muốn đóng góp cho mục tiêu dài hạn là giảm tỉ lệ bỏ học, xóa bỏ nạn tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số; tạo điều kiện và cơ hội cho các em học sinh tự tin làm chủ cuộc sống của mình. VCF cam kết nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác, tiếp tục mang đến cơ hội học tập và phát triển cho nữ sinh dân tộc thiểu số".
Plan International Việt Nam cùng thanh niên dân tộc thiểu số Hà Giang thoát nghèo Thông qua những mô hình: chăn nuôi dê nái sinh sản, làm giò lụa lợn đen, vườn sinh thái hữu cơ; xây dựng trung tâm học tập cộng đồng…, đời sống thanh niên dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể. |
Xây dựng trường học thân thiện cho trẻ em dân tộc thiểu số Ngoài việc ưu tiên học văn hóa, các em học sinh dân tộc thiểu số thuộc các trường của 2 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì – Hà Giang còn được phát triển nhiều kỹ năng như: biết cách bảo vệ bản thân an toàn trên môi trường mạng, được giáo dục giới tính, tham vấn tâm lý… |