Nhạc sĩ Xuân Oanh và ca khúc "Mười chín Tháng Tám"
Nhạc sĩ Xuân Oanh sinh năm 1923, tại Quảng Yên, Quảng Ninh trong gia đình nghèo bố là thợ may, mồ côi mẹ khi mới lên sáu tuổi, được bố cho học hết tiểu học và phải chia tay bố theo dòng người ra Hòn Gai kiếm sống. Ông được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phân phát tài liệu, sách báo cho Mặt trận Việt Minh từ năm 1944, tham gia các hoạt động chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội. Ngày 19/8/1945, ông đi trong đoàn biểu tình cướp chính quyền từ Văn Điển như làn sóng đổ về Nhà hát Lớn dự mít-tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức.
Nhạc sĩ Xuân Oanh |
Về sự ra đời của ca khúc “Mười chín Tháng Tám” nhạc sĩ kể: “Như linh cảm thấy thời điểm lịch sử phá tan xiềng gông nô lệ đã đến, câu hát đầu tiên vừa vang lên trong lòng, ông bèn hát lên "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai... Mười chín, tháng Tám ánh sao tự do đem tới, cờ bay nơi nơi...". Nghĩ ra được câu nào, tôi hát to lên cho mọi người cùng hát theo. Đến quảng trường Nhà hát Lớn thì bài hát cũng hoàn thành. Bài hát được một nhà xuất bản ở chợ Hôm phát hành, được thu thanh và phát liên tục trên đài phát thanh”.
Trong những ngày cả nước như trở lại không khí của những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử, mời các bạn cùng chúng tôi hòa trong ca khúc “Mười chín Tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh qua một số bài bình của các bạn thính giả.
Tự nhận mình “không phải là một nhà Lý luận-phê bình, lại càng không phải nhà phê bình âm nhạc, đơn giản chỉ là một sinh viên luật”, bạn Bùi Sơn, lớp quốc tế 20D Đại học Luật Hà Nội đã viết những cảm nhận của mình về bài hát “Mười chín Tháng Tám”của nhạc sĩ Xuân Oanh:
“Tôi thuộc lớp người sinh ra khi đất nước không còn tiếng súng, tiếng bom, mọi người sống trong yên vui, hòa bình. Nhưng qua những bài học trên ghế nhà trường, qua những thước phim tư liệu và nhất là qua những bài ca, tiếng hát viết từ thời đó mà vẫn còn vang vọng sống mãi tới ngày nay làm cho tôi biết và hiểu được phần nào về một thời đã qua để biết bao xương máu, biết bao người đã ngã xuống tô thắm cho lá cờ của Tổ Quốc. Ngày 19/8 - một ngày có lẽ không ít người Việt Nam nào mà không biết tới bởi đó là một ngày đã đi vào lịch sử của dân tộc, một ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Hàng năm cứ đến ngày 19/8, khắp nơi trên đất nước ta lại nghe vang lên trên sóng phát thanh, truyền hình một ca khúc mà chắc rằng ai cũng biết. Đó là ca khúc “Mười chín Tháng Tám” - ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Oanh.
Xuân Oanh là một người chiến sĩ-nhạc sĩ, ông đã từng sống và chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống phát xít Nhật và thực dân Pháp. Sống trong hoàn cảnh đó: Đau khổ-vui sướng, tự đáy lòng mình, từ trái tim mình Xuân Oanh đã cho ra đời đứa con tinh thần của mình vào chính thời điểm đó - Tháng tám năm 1945”.
Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày.
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai.
Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét.
Tiến lên cùng hô: "Mau diệt tan hết quân thù chung!"…
Mười chín tháng Tám
Chớ quên là ngày khởi nghĩa.
Hạnh phúc sáng tô, non sông Việt Nam.
Theo bạn Sơn, một bài hát hay luôn gồm ca từ đẹp và giai điệu hay. Với nhạc sĩ Xuân Oanh ông đã làm được điều đó - điều mà bất kỳ nhạc sĩ nào khi sáng tác một ca khúc cũng luôn hướng tới.
Ca khúc mở đầu bằng câu hát: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày”, đó là một sức mạnh vĩ đại của toàn dân Việt Nam được hun đúc nay đã bật ra và “Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu”, hướng tới một tương lai chói lọi, rực sáng.
Lời thề đó sao mà nghe mạnh mẽ, sao mà sắt đá vậy. Chỉ hai chữ “quyết lòng” thôi nhưng chứa đựng trong nó là sức mạnh của cả một dân tộc, như báo trước một chiến thắng tất yếu, như đang bước tới một tương lai tươi sáng. Kể từ ngày này, ngày 19/8, ánh sao của tự do đã bắt đầu chiếu sáng trên bầu trời Việt Nam, xua tan đi đêm trường nô lệ.
Về phần giai điệu, ngay khi tiếp xúc với bài hát chúng ta đã biết rằng chi phối toàn bài (người nghe có thể cảm nhận ngay toàn bài hát) là nhịp đi-vui. Làm sao không như thế được khi cùng với lời ca thật mạnh mẽ, khỏe khoắn của những lời thề quyết chiến và niềm vui chiến thắng”.
Bạn Nguyễn Văn Huy ở Liên Nghĩa, Châu Giang, Hưng Yên kể về cảm xúc của mình khi nghe ca khúc “Mười chín Tháng Tám”: “Mỗi lần nghe ca khúc em lại liên tưởng ngay đến khí thế hào hùng của dân tộc ta trong những ngày đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ Quốc của cha ông. Và những cống hiến, hy sinh mất mát của họ đã được đền đáp một cách xứng đáng. Ngày 19/8 đã trở thành ngày lịch sử trọng đại - ngày mà mỗi người dân Việt Nam đã, đang và sẽ không bao giờ quên được. Ngày mà đất nước ta đã thực hiện thành công cuộc tổng khởi nghĩa. Có thể nói nhạc sĩ Xuân Oanh đã đưa vào bài hát của mình tất cả những gì đáng nhớ nhất, phản ánh chân thực nhất không khí của ngày tổng khởi nghĩa của toàn dân tộc”.
Non sông giành Độc lập-Tự do, những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám này toàn dân Việt Nam lại hát vang ca khúc “Mười chín Tháng Tám” và những khúc ca, ca ngợi quê hương, mảnh đất yên bình, gần gũi và thân thuộc nhất trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt.