Nguồn lực trí thức người Việt: "Một cây làm chẳng nên non"
TS. Lê Quý Vang cùng với đồng nghiệp ở NVIDIA Deep Learning Institute trong một đợt công tác ở Lausanne, Thụy Sỹ. |
Anh có thể chia sẻ về cuộc sống của anh tại Đan Mạch?
Tôi cùng gia đình nhỏ định cư ở Đan Mạch tới nay đã 12 năm. Cuộc sống khá bình yên và chúng tôi có nhiều thời gian tập trung cho công việc và chăm sóc gia đình.
Tình nguyện tham gia nhóm phòng chống dịch Covid-19 của Đan Mạch, anh đóng góp trên phương diện nào?
Với kinh nghiệm chuyên môn về Sinh học Phân tử và Khoa học dữ liệu, tôi đã tình nguyện tham gia nhóm phòng chống dịch của Đan Mạch từ tháng 3/2020.
Tôi thấy vinh hạnh và mãn nguyện vì được đóng góp những kiến thức kỹ năng chuyên môn của mình và thực hiện trách nhiệm xã hội của một người dân và một nhà khoa học.
Nhóm chúng tôi đã có những đóng góp quan trọng, làm cơ sở cho chính phủ Đan Mạch và các nhà chức trách về phòng chống dịch có những quyết sách đúng đắn kịp thời. Những đóng góp này đã được nữ thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tới thăm, ghi nhận và tuyên dương.
Tôi cũng rất vui mừng vì giờ đây xã hội Đan Mạch đã trở lại rất gần với tình hình bình thường. Tôi rất mong muốn và muốn đóng góp để xã hội Việt Nam và các nước sớm vượt qua được đại dịch.
TS. Lê Quý Vang. |
Từ môi trường làm việc và lĩnh vực chuyên môn về khoa học dữ liệu, anh có quan tâm, nguyện vọng kết nối và chia sẻ với trong nước?
Tôi có vài điều quan tâm và muốn chia sẻ:
Làm cầu nối
Cũng như nhiều nhà khoa học và chuyên gia khác, tôi mong muốn có thể đem kỹ năng chuyên môn của tôi đóng góp vào những công trình thú vị, có ý nghĩa cho khoa học và cho xã hội.
Với cơ hội tiếp cận với các chuyên gia và môi trường làm việc tầm cỡ thế giới, tôi mong muốn có thể làm cầu nối để truyền tải những thông tin cập nhật, những công nghệ tân tiến để giúp cho những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.
Chiến lược quốc gia phù hợp với xu thế thế giới và nhu cầu xã hội
Ở cấp độ quốc gia, tôi tin rằng tầm nhìn và mục tiêu chiến lược đầu tư dài hạn là việc rất cần thiết. Tầm nhìn này nên thuận theo xu thế của thế giới và nhu cầu của xã hội cũng như đặc trưng thực tế của Việt Nam. Ví dụ: nền kinh tế tri thức, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu, dân số đông, dân số già... là những chủ đề có tầm ảnh hưởng lớn.
Bên cạnh khoa học dữ liệu, khoa học sự sống, các ngành khoa học công nghệ khác cũng đều có thể tham gia đóng góp giải pháp.
Với kinh nghiệm nhiều năm về công nghệ giải trình tự gene, khoa học số liệu và quản lý hệ thống tính toán hiệu năng cao (HPC), tôi có thể chia sẻ, huấn luyện các nhà chuyên môn trong nước. “Một cây làm chẳng nên non…”, vì vậy tôi muốn nhân rộng để chung sức chung tay xây dựng đội ngũ nhân sự lớn mạnh hơn để có thể giải quyết những bài toán lớn cho xã hội.
Gây dựng môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo
Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm đến các công ty khởi nghiệp. Tôi tin rằng, xã hội tri thức muốn phát triển thì cần phải có những công ty khởi nghiệp công nghệ lên ngôi. Những công ty “làm thật ăn thật” bằng cách tạo ra những sản phẩm dịch vụ đem lại lợi ích thực sự cho xã hội. Với những sản phẩm dịch vụ như thế, người dân và thị trường sẽ vui vẻ trả tiền cho những giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ.
Vì lý do đó, tôi rất hứng thú với việc tham gia kết nối và nuôi dưỡng những nhà khoa học muốn khởi nghiệp, kết nối với các quỹ đầu tư phát triển của nhà nước và xã hội. Việc này là nhằm tạo nên một môi trường, một cái nôi, một mảnh đất màu mỡ giúp cho những ý tưởng đổi mới sáng tạo có thêm nhiều cơ hội tạo nên những sản phẩm dịch vụ có đóng góp cải thiện xã hội.
Phát triển văn hóa làm việc văn minh hiện đại chuyên nghiệp
Với kinh nghiệm sống và làm việc ở Hàn Quốc hơn sáu năm và ở Đan Mạch gần 12 năm trong các môi trường đại học, bệnh viện và các tập đoàn lớn, tôi đã được trải nghiệm những phong cách tư duy, văn hóa làm việc khác nhau. Qua đó, tôi nhìn ra những điểm mạnh của phong cách tư duy và văn hóa làm việc của người Việt.
Với tầm nhìn như vậy, tôi mong muốn các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp và mạnh thường quân, người dân nói chung phát triển một văn hóa kiên trì, chỉn chu, văn hóa “làm thật ăn thật”, dấn thân và cống hiến cùng văn hóa coi trọng năng lực chuyên môn, làm việc chuyên nghiệp đúng chức năng nhiệm vụ.
Đây chính là những bài học thành công của các nước Hàn Quốc, Đan Mạch và tôi cũng tin là những bí quyết thành công của các nước phát triển mà tôi rất ngưỡng mộ như Thụy Sỹ, Đức, Nhật Bản, Anh Quốc.
Thuở nhỏ tôi rất thán phục những tấm gương sáng tạo, nghị lực vượt khó của người Việt. Sau nhiều năm được học tập, làm việc và sinh sống ở các nước phát triển, tôi thấy người Việt chúng ta vẫn cần học hỏi thêm đức tính tỉ mỉ, tư duy bài bản hệ thống, tinh thần hợp tác vì mục đích lớn và sự kiên định bám đuổi mục tiêu về quy mô và chất lượng của các nước phát triển.
Một điều đáng mừng là trong những năm gần đây, tôi nhận thấy trên diễn đàn Quốc hội cũng như các phương tiện truyền thông, chúng ta đã thực thi thói quen tư duy đa chiều, phản biện.
Đây là tiền đề tốt để cho tư duy đổi mới sáng tạo phát triển. Tôi hy vọng và tin rằng thói quen này sẽ ngày càng phát triển và lan tỏa.
TS. Lê Quý Vang: “Việc tham gia vào Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) là nguyện vọng và câu trả lời cho sự tìm kiếm của tôi nhằm kết nối với kiều bào trình độ cao trên thế giới và với trong nước. Tôi hy vọng sẽ được tương tác, hợp tác với nhiều nhà chuyên môn, nhà khoa học trong nước qua sân chơi này cũng như các sân chơi và các diễn đàn khác“. |
Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cần xác định tầm nhìn lâu dài, tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho hợp tác nghiên cứu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, hệ thống hóa và số hóa các dịch vụ công. Đây cũng là vấn đề tôi cũng quan tâm trăn trở rất nhiều năm nay.
Với vấn đề thu hút nguồn lực tri thức kiều bào vào phát triển đất nước đang được quan tâm hiện nay, theo anh, Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp gì?
Về đại cuộc, tôi nghĩ không nhất thiết phải ở Việt Nam mới có thể cống hiến cho Việt Nam. Thêm nữa, sự giao lưu với các cộng đồng chuyên môn, các trường, viện, cơ sở nghiên cứu, và tập đoàn quốc tế cũng là những môi trường rèn luyện và học hỏi kinh nghiệm cực kì quý báu để những kiều bào Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế hữu ích.
Tuy nhiên, suy nghĩ theo hướng phát triển nội lực, tôi nghĩ rằng cơ chế chính sách và môi trường xã hội ở Việt Nam cần tiếp tục nâng cao sự nhìn nhận và trọng dụng những cá nhân làm việc trong nước có chuyên môn giỏi và tâm huyết để họ được phát triển.
Môi trường làm việc trong xã hội đề cao năng lực chuyên môn, năng lực giải quyết vấn đề thì sẽ khuyến khích bồi đắp được người tài.
Với bối cảnh hiện nay (số kiều bào trình độ cao của Việt Nam khá nhiều, nhu cầu trong nước về nhân lực chất lượng cao cũng đang tăng mạnh, sự giao lưu hợp tác quốc tế cũng là xu thế tất yếu), tôi cho rằng việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ hợp tác, liên kế giữa các nhà chuyên môn trong nước với các nhà khoa học và chuyên gia kiều bào cũng như quốc tế sẽ hứa hẹn những thành quả lớn lao.
TS. Lê Quý Vang sinh năm 1979. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Vi sinh vật học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại Việt Nam, anh nhận được học bổng toàn phần đi du học ở Hàn Quốc cho chương trình thạc sĩ (2003 - 2005) và chương trình tiến sĩ (2006 - 2009). Từ năm 2009 tới nay, anh đảm nhiệm nhiều vị trí công tác ở Đan Mạch, là thành viên của nhóm Taskforce Covid-19 của Tổ chức AVSE Global và đang dẫn dầu một nhóm tư vấn về đổi mới sáng tạo. |