Người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về Việt Nam theo hình thức nào?
Hỏi: Tôi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự định thực hiện một dự án đầu tư tại Việt Nam thì có thể đầu tư theo những hình thức nào? Trong trường hợp đầu tư thành lập mới doanh nghiệp ở Việt Nam, tôi cần đáp ứng những điều kiện gì?
Ảnh minh họa. |
Trả lời:
Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”.
Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”
Khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.
Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC và các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Ông/bà có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư nêu trên, đăng ký đầu tư với danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài hoặc nhà đầu tư trong nước và tuân thủ các quy định tương ứng.
Ông/bà có thể đầu tư thành lập mới doanh nghiệp tại Việt Nam theo một trong ba cách sau:
(i) Đầu tư với danh nghĩa nhà đầu tư trong nước:
Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế (Điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020).
Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư.
(ii) Đầu tư với danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài:
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020.
- Theo khoản 1 và 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này (Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện).
- Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (điểm c Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020).
- Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
(iii) Đầu tư với danh nghĩa tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 23 Luật Đầu tư 2020):
- Phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
- Nếu tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định trên thì thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng bày tỏ niềm vui khi công tác đối với NVNONN được sự quan tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, các địa phương, được coi là một trong những ưu tiên ở các cơ quan đại diện và được bà con hưởng ứng tích cực. |
Bế giảng Khóa tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài 2023 Sau hai tuần, Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) năm 2023 đã bế mạc chiều 30/8 tại Hà Nội. |