Ngoại giao nhân dân góp sức tạo bước chuyển về “chất” trong quan hệ Việt –Mỹ
“Cầu nối” hữu ích, kết nối thông tin doanh nghiệp
Tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Hải Giang, Tổng Biên tập Tạp chí Việt – Mỹ cho biết, trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu và thế kỷ số, công nghệ số với những thay đổi vượt bậc, quan hệ Việt – Mỹ nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng đã có những bước chuyển mình tất yếu.
Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ thuộc loại thấp nhất, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ASEAN vào Mỹ. Không chỉ tăng về khối lượng, hàng hóa chất lượng và giá trị gia tăng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày một nhiều hơn. Kinh tế thương mại không chỉ là mục tiêu hướng tới mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững và là “mảng sáng” trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Hải Giang, Tổng Biên tập Tạp chí Việt – Mỹ: Trước đây ngoại giao nhân dân thiên về nhiệm vụ chính trị gắn với vận mệnh độc lập tự do của dân tộc thì đến những năm đầu thế kỷ XXI, đối ngoại nhân dân nổi bật ở các hoạt động đối ngoại kinh tế, thương mại, doanh nghiệp, phát triển trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Ảnh: Hải An |
Với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, ngoại giao nhân dân với mạng lưới sâu rộng, khả năng tiếp cận rộng rãi các đối tượng, thiết lập các mối quan hệ cá nhân với doanh nghiệp, chính giới, nhân sĩ… sẽ là cầu nối hữu ích để doanh nghiệp hai nước kết nối thông tin, mở rộng sản xuất và hội nhập.
“Ngoại giao nhân dân với những đặc điểm gắn liền với vận mệnh chính trị của đất nước đến “ngoại giao doanh nhân” trong quan hệ Việt – Mỹ là sự thay đổi cơ bản về chất, bước chuyển đổi quan trọng và tất yếu trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Hải Giang nhấn mạnh.
Kết nối văn hóa – kết nối lòng người
Tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Đại hội. Ảnh: Hải An |
Chia sẻ trải nghiệm giao lưu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, ông Đồng Quang Vinh, Giám đốc âm nhạc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, bạn bè quốc tế rất trân trọng và muốn tìm hiểu âm nhạc dân tộc, văn hóa dân tộc Việt Nam. Những sinh viên chơi đàn Nhị, đàn Tranh, đàn Bầu, Sáo trúc… thường được những Đại học như Harvard, Oxford đánh giá cao. Thậm chí, có nhiều ưu tiên, ưu đãi và có nhiều cơ hội hơn là những sinh viên chơi nhạc cụ phương Tây như piano, violin… Mỗi lần biểu diễn, khán giả nước ngoài đều háo hức lên sân khấu xem những nhạc cụ dân tộc Việt Nam và hỏi rất nhiều câu hỏi liên quan đến nhạc cụ và âm nhạc Việt Nam.
Ông Đồng Quang Vinh, "cần tạo nhiều dịp, cơ hội biểu diễn giao lưu âm nhạc giữa hai nước ở cả Việt Nam và Mỹ, những buổi nói chuyện về nghệ thuật, văn hóa Việt Nam cho người Mỹ, nghệ thuật của Mỹ cho người Việt". Ảnh: Hải An |
Theo ông Đồng Quang Vinh, “thông qua âm nhạc, thông qua văn hóa, con người sẽ hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn”. Do đó, cần tạo nhiều dịp, cơ hội biểu diễn giao lưu âm nhạc giữa hai nước ở cả Việt Nam và Mỹ, những buổi nói chuyện về nghệ thuật, văn hóa Việt Nam cho người Mỹ, nghệ thuật của Mỹ cho người Việt. Trong đó, khuyến khích những tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng bằng ngôn ngữ mới dễ tiếp cận, trừ những tiết mục biểu diễn riêng giữa nghệ sĩ hai nước. Ngoài ra, cần có thêm những tiết mục biểu diễn chung, để thấy được sự giao thoa, hòa quyện của văn hóa hai nước.
Nếu những tiết mục này thành công, sẽ đem lại cho khán giả hai nước những cảm xúc tuyệt vời nhất, những ấn tượng sâu đậm thật sự nhất và xúc động nhất, phù hợp với tinh thần đoàn kết toàn cầu trong thời đại 4G.
Tăng cường gắn kết thế hệ trẻ Việt – Mỹ
Coi trọng việc giao lưu, gắn kết thế hệ trẻ hai nước, nhiệm kỳ vừa qua, nhiều hoạt động kết nối đã được Hội Việt - Mỹ triển khai. Hội đã tổ chức đón nhiều đoàn sinh viên, học sinh, thầy cô giáo đến từ các trường trung học, đại học, các viên nghiên cứu, trung tâm giáo dục của Mỹ, tham gia đón một số đoàn lãnh đạo trẻ của Mỹ.
Nhiều sự kiện sinh hoạt chuyên đề, đối thoại, tọa đàm nhằm thảo luận, chia sẻ thông tin về thành tựu ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, chuẩn bị hành trang du học, định hướng kỹ năng nghề nghiệp trong các lĩnh vực về công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ, giáo dục và môi trường cũng đã được chú trọng tổ chức.
Theo bà Trịnh Thái Hà, Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB tại Hà Nội của Cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ, “các hoạt động này đã tạo ra không gian để kết nối các nhà ngoại giao, các chuyên gia, học giả uy tín Việt Nam và Hoa Kỳ với thế hệ trẻ”.
Bà Trịnh Thái Hà, Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB của tại Hà Nội của Cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ: "Để gia tăng lên mức cao hơn và rộng hơn giao lưu, hợp tác giữa thế hệ trẻ hai nước những năm tới, cần xây dựng cơ chế phối hợp, kết nối với các đơn vị thành viên và đối tác trong nước như Hội Việt – Mỹ tại địa phương". Ảnh: Hải An |
Cũng theo bà Hà, nếu như năm 1995, mới có chưa tới 800 du học sinh Việt Nam học tập tại các trường Đại học ở Mỹ thì sau hơn 25 năm, Việt Nam đã đứng tốp đầu (thứ 6) về số du học sinh tại Mỹ với khoảng 30.000 thanh niên Việt Nam đang theo học ở tất cả các bậc học của Mỹ. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy, giáo dục vẫn là nền tảng của mối quan hệ song phương Việt – Mỹ.
Tham luận của các đại biểu cũng nhấn mạnh, đối ngoại nhân dân cần có tư duy mới, nội hàm mới, định hướng phát triển mới nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác đối ngoại. Mỗi người dân cần nhận thức được vai trò “đại sứ” của mình, là đại diện cho hình ảnh của đất nước đối với thế giới.
“Nếu như câu chuyện tình yêu lãng mạn vượt qua đại dịch của chàng trai Mỹ Evan Farfan với cô gái Việt Nam Thủy Tiên cuối năm 2020 tưởng chừng như chỉ đem lại niềm cảm hứng về sự lạc quan của con người giữa mất mát vì dịch bệnh COVID-19 thì từ sâu xa, có lẽ đó chính là dấu hiệu thực chất nhất của quan hệ “ngoại giao nhân dân”. Ở đó, sự thấu hiểu, hợp tác và sự gắn kết giữa hai nền văn hóa, hai thể chế chính trị và khả năng thích nghi của những người trẻ tuổi thế hệ mới hiện diện bất chấp những khác biệt đã cho chúng ta niềm tin vào sự vững chắc của đối ngoại nhân dân trong thời đại có rất nhiều biến động của nền kinh tế số, công nghệ số”, ông Nguyễn Hải Giang, Tổng Biên tập Tạp chí Việt Mỹ chia sẻ.