Nghĩa tình đồng bào ấm áp và thiêng liêng ở nơi xa Tổ quốc
Họ đã trải qua hành trình vô cùng gian nan từ vùng chiến sự, với sự giúp đỡ hết sức tận tình, trách nhiệm từ nhiều phía, cả Nga và Việt Nam để có được ngày trở về với quê hương, Tổ quốc.
Đại sứ và bà con chụp ảnh lưu niệm |
Chiến sự bất ngờ nổ ra, chỉ ngay trong ngày đầu tiên, ngoại ô Kharcov-Ukraine, nơi gia đình chị Nguyễn Thị Bích Vân sinh sống đã bị mất điện, mất kết nối internet, mất liên lạc với mọi người. Một mình với 4 đứa con, chị đã vô cùng lo lắng, tìm cách đưa các con thoát khỏi nơi nguy hiểm.
“Thấy nguy hiểm quá em quyết định dẫn các con đi, nhưng phụ nữ, một mình, dẫn theo 4 con, nguy hiểm. Em ra đơn vị lính Nga đóng quân, các chú giới thiệu tìm gặp chỉ huy, họ thấy điều kiện như thế, họ giúp, lái xe đưa 5 mẹ con qua bên kia biên giới. Nếu không thì 5 mẹ con không thể đi được”, chị Vân kể.
Bữa cơm trưa đầm ấm dành cho bà con sơ tán từ Ukraine ở Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga. |
Sang đến khu vực ngoại ô thành phố Belgorod-Nga, mẹ con chị Vân và những người cùng sơ tán dừng chân ở một trạm lưu trú tạm thời. Ở đây, mọi người nhận được sự đón tiếp ân cần của phía Nga. Sau 3 ngày, chị nhận được thông tin có người Việt đến tìm. Chị Vân không ngờ, hành trình sơ tán của 5 mẹ con may mắn đến thế.
“Lúc ngoài cổng có người Việt Nam đến xin điện thoại, ở khu đấy không liên lạc đi đâu được, lúc đấy mừng lắm. Cháu Sơn rất nhiệt tình, đưa lên Voronez, Hội người Việt rất tốt, gặp người quen nữa, các anh chị coi như em gái bị lạc, chăm sóc tốt lắm. Em không nghĩ mình may như thế, cứ nghĩ chạy loạn thôi, không nghĩ đi đến đâu cũng được giúp đỡ như thế”, chị Vân xúc động nói.
Đại sứ Đặng Minh Khôi và ông Trần Phú Thuận-phó chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga chụp ảnh lưu niệm cùng 4 mẹ con chị Nguyễn Thị Bích Vân. |
Để tìm ra và đón được mẹ con chị Vân từ Belgorod lên thành phố Voronez là nỗ lực lớn của cộng đồng người Việt ở thành phố này và Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Hội người Việt tại Voronez đã giúp đỡ cho mẹ con chị Vân có nơi ăn, nghỉ, tiếp đó đi tàu lên Moscow để trở về Việt Nam. Riêng con gái lớn của chị sang Đức để học tập.
Cùng trong đoàn về Việt Nam lần này còn có 14 người Việt từ thành phố Kherson-Ukraine sơ tán sang Nga và được Hội người Việt Nam tại Krasondar, đoàn công tác của Đại sứ quán hỗ trợ hết sức tận tình.
Đại sứ trao quà của Hội người Việt Nam tại LB Nga cho bà con. |
Ông Lưu Văn Trường, đã sinh sống ở Kherson 34 năm cho biết, ngay sau khi chiến sự xảy ra, bà con rất hoang mang, lo lắng, muốn sơ tán, nhưng rất khó khăn.
“Lúc đầu rất khó khăn, bà con quyết định thuê xe để đi. Tối chuẩn bị sáng mai đi thì nhận được tin của Đại sứ quán đã liên hệ với Bộ quốc phòng Nga cho xe đón bà con ra khỏi vùng chiến. Đi từ Kherson được quân đội Nga hỗ trợ thì rất thuận lợi”, ông Trường chia sẻ.
“Sau này” mà ông Trường nhắc đến là từ lúc bà con liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và thường xuyên nhận được chỉ đạo, hỗ trợ để bà con sơ tán an toàn.
“Các thành phố khác đi sang miền tây lên Lvov, sang Ba lan là dễ nhất, nhưng anh em ở Kherson không đi được, đây có thể gọi là vùng trọng điểm, người ta chiếm đầu tiên, xe quân sự từ Crưm tiếp viện sang bên này, bà con không có lối thoát, sau này mới tìm được hướng sang Nga”, ông Trường cho biết.
Đại sứ Đặng Minh Khôi trò chuyện thân mật với bà con. |
Theo ông Trường, hiện ở Kherson còn khoảng 50 người Việt. Ở bên trong thành phố thì tạm bình yên, còn ở ngoài rìa thành phố, chiến sự vẫn tiếp tục, có gia đình người Việt bị đạn pháo bắn vào cửa sổ, rất may người đã ra khỏi nhà trước đó.
Anh Vũ Xuân Việt - Bí thư thứ nhất, phòng Lãnh sự - Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cho biết, ở thành phố Mariupol hiện cũng còn một số bà con, nhưng chưa liên lạc được với họ.
“Khó khăn nhất có lẽ là thông tin đến được bà con, vì bà con ở dưới hầm trú ẩn, không có điện, nước, sóng điện thoại. Nhiều khi thông tin không đến được với bà con để tập kết đến nơi có xe đưa sang Nga. Đó là tại thành phố Rostov, đoàn của Đại sứ quán đến nơi, không gặp được ai, tìm từng xe-không có người Việt Nam, đến hai trại tị nạn ở đấy, tìm từng giường, nhưng không có ai cả”, anh Việt cho hay.
Xe của Đại sứ quán đưa bà con ra sân bay về Việt Nam. |
Hiện tại, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã để lại số điện thoại ở các cửa khẩu biên phòng, nếu có người Việt Nam, họ sẽ liên lạc với Đại sứ quán và phòng lãnh sự sẽ cử cán bộ để bảo hộ công dân. Từ khi nổ ra chiến sự, Đại sứ quán thường xuyên duy trì liên hệ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, hội người Việt Nam tại các địa phương, Hội người Việt Nam tại LB Nga để giúp bà con sơ tán sang Nga an toàn, bố trí nơi ăn, nghỉ, phương tiện di chuyển lên Moscow, thu xếp chỗ trên chuyến bay, đưa bà con ra sân bay để trở về nước bình an.
Bom rơi, đạn nổ, bà con phải bỏ lại nhà cửa, tài sản mà họ đã gây dựng suốt bao nhiêu năm trên đất Ukraine. Thấu hiểu những khó khăn, mất mát, vất vả của họ, cộng đồng người Việt tại LB Nga sẻ chia với bà con bằng tất cả tấm lòng của mình. Đại sứ quán Việt Nam tại Nga dành cho bà con sự quan tâm, trách nhiệm cao nhất. Nghĩa tình đồng bào luôn ấm áp và thiêng liêng ở nơi xa Tổ quốc.