Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4: cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ngành liên quan
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 2 triệu người mù và thị lực kém, chiếm khoảng gần 2% dân số. Tuy không có khả năng nhìn nhưng họ vẫn có nhu cầu được học tập, tiếp thu văn hóa, kiến thức.
Nhiều người khiếm thị mong muốn được học tập, rèn luyện. Ảnh: Hanoimoi |
Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho biết, hiện nay các tài liệu dưới định dạng mà người khiếm thị có thể tiếp cận được là không nhiều. Họ chỉ có thể tiếp cận được một số tài liệu nhất định. Những khó khăn trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trong học tập và làm việc của người khiếm thị Theo ông Phạm Viết Thu, công nghệ thông tin là phương tiện hữu hiệu giúp người mù học tập, làm việc thuận lợi, nhanh chóng hơn nhưng hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng hơn 9.000 người khiếm thị biết sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh.
Theo Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, người khiếm thị là đối tượng yếu thế trong xã hội, công việc chủ yếu là nghề massage, giáo viên, tin học văn phòng, làm hương, tăm, kết hạt cườm, đan giỏ xách nhựa, làm hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, đàn organ, buôn bán tại nhà...
Theo cuộc khảo sát nhu cầu học nghề gần đây, tỷ lệ người khiếm thị muốn học nghề kinh doanh online rất cao. Ngay sau đó, chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ tổ chức một khóa đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người khiếm thị trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID - 19 đã diễn ra nhằm đào tạo những kiến thức, kỹ năng để người khiếm thị có thể có thêm một nghề mới, nâng cao sự tự tin hòa nhập cộng đồng.
Khóa học diễn ra trong 30 ngày với sự dẫn dắt của các chuyên gia về kỹ năng giao tiếp, kiến thức kinh tế thị trường, kỹ năng bán hàng online trên mạng xã hội Facebook… Sau 3 tháng học tập đã ghi nhận những kết quả rất tích cực từ học viên.
Có thể khẳng định, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho những người khiếm thị trong xã hội là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là minh chứng của sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ người khiếm thị cải thiện cuộc sống, giúp họ vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng. Đây cũng để họ có thể thực hiện ước mơ được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác, tạo môi trường thân thiện để người khiếm thị phát huy khả năng của mình.
Vừa qua, Trung tâm Đào tạo Cán bộ - Phục hồi chức năng cho người mù đã đưa chương trình đào tạo nghề công tác xã hội vào giảng dạy cho cán bộ hội viên các phương pháp trợ giúp và kỹ năng xây dựng các chương trình, hoạt động trợ giúp những đối tượng yếu thế một cách chuyên nghiệp; tổ chức những chương trình hoạt động phát triển cộng đồng yếu thế của mình và xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển; đồng thời kiến nghị với nhà nước trong việc xây dựng, thúc đẩy môi trường chính sách an sinh xã hội một cách phù hợp cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng để họ có cơ hội phát huy khả năng của mình. Từ đó, cải thiện chất lượng dịch vụ trợ giúp đối với cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.
Tuy nhiên, để các chương trình đào tạo đem lại hiệu quả thực sự cho người khiếm thị cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ngành liên quan. Trong đó, chú trọng tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để người khiếm thị có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về dạy nghề, tạo việc làm và trợ giúp xã hội để nâng cao đời sống, giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với tính đặc thù của một số nhóm người khuyết tật…