Ngành thủy sản đầu tư vào chế biến để gia tăng giá trị
Xuất khẩu 8 tháng đạt gần 7,6 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 8 đạt 917,06 triệu USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 7,6 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng cao, như tôm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 22,5%; cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 80,7%; cá ngừ đạt gần 724 triệu USD, tăng 54,1%; mực và bạch tuộc đạt gần 478 triệu USD, tăng 33,5%...
Với kết quả này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng hoàn toàn có thể đạt 10 tỷ USD cho cả năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra. Theo ông Luân, sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nhập khẩu sau đại dịch COVID-19 cùng với biến động về nguồn cung cá thịt trắng từ Nga đã và đang mở đường cho ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc phục hồi và chiếm được nhiều lợi thế trong những quý đầu năm 2022.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự tự tin trước các tín hiệu tốt của thị trường. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng (GODACO), một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản tại Tiền Giang cho biết, các chỉ tiêu doanh thu, sản lượng, kim ngạch, lợi nhuận của doanh nghiệp hiện đã về gần mức trước dịch.
Còn với Công ty TNHH Thuỷ sản Phát Tiến ở Đồng Tháp, lãnh đạo đơn vị cũng cho hay hiện đã đạt hơn 30 triệu USD doanh số trong 7 tháng và có thể hoàn thành mục tiêu 50 triệu USD cho cả năm nay.
Tăng đầu tư để nâng tỉ trọng sản phẩm chế biến sâu
Thị trường xuất khẩu đang rất thuận lợi nhưng hiện chi phí sản xuất, chi phí logistics lại đang tăng cao. Vậy làm sao để gia tăng giá trị xuất khẩu, để ngành thủy sản phát triển bền vững? Lời giải cho vấn đề này theo các doanh nghiệp trong ngành đó là phải tập trung vào khâu chế biến, bởi chế biến chính là khâu quan trọng, tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất của ngành thủy sản.
Mặt hàng da cá tra tươi hiện có giá khoảng 0,5 USD/kg, trong khi collagen - một sản phẩm gia tăng từ nguyên liệu da cá tra có thể đạt mức giá 25-40 USD/kg. Đây là ví dụ cho thấy hiệu quả của việc chế biến sâu. Sớm nhận ra vai trò của chế biến sâu, một trong những doanh nghiệp đầu ngành, Công ty CP Nam Việt (Navico) đã đầu tư nhà máy chế biến collagen từ da cá tra tại Cần Thơ với công suất lên tới 800 tấn thành phẩm collagen mỗi năm. Đại diện doanh nghiệp này cho biết đây là dự án chiến lược, giúp doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Với Công ty TNHH Thuỷ sản Phát Tiến, ông Chiêm Trần Quốc Cường, Giám đốc Kinh doanh cho biết, bên cạnh sản phẩm chủ lực là phile cá tra thì doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng 2 nhà máy chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng. Ông Cường cho biết đây là phân khúc tiềm năng, bởi ngay thời điểm này, người tiêu dùng ở thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng chọn sản phẩm đông lạnh, hàng chế biến sâu thay cho hàng tươi sống.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc GODACO, ở các thị trường có mức sống cao như EU, Hoa Kỳ thì thủy hải sản là sản phẩm được ưu tiên lựa chọn vì có giá trị dinh dưỡng cao hơn các sản phẩm thịt khác. Do vậy, ngay cả khi sức mua bị ảnh hưởng do lạm phát thì lâu dài những sản phẩm giá trị gia tăng từ cá da trơn của Việt Nam ít chịu áp lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu thủy sản khác, trong khi giá bán tốt hơn sản phẩm truyền thống.
Mặc dù thị phần còn thấp nhưng hiện người tiêu dùng bắt đầu làm quen với các sản phẩm chế biến sâu và đây là phân khúc bền vững. Do vậy, trước mắt, doanh nghiệp chấp nhận đầu tư công nghệ để cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Ông Đạo cho biết, cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ đưa vào khai thác nhà máy thứ hai, nâng công suất chế biến sản phẩm gia tăng từ cá tra lên 400 tấn mỗi ngày.
"Chúng tôi xác định chi phí ban đầu sẽ lớn, vừa đầu tư công nghệ, mở rộng nhà máy, vừa quảng bá, xúc tiến thị trường, nhưng tỉ suất lợi nhuận của sản phẩm chế biến sâu bảo đảm bù đắp cho đầu tư ban đầu", Tổng giám đốc GODACO chia sẻ đồng thời cho hay sản phẩm chế biến sâu hiện đã chiếm 15% và sẽ nâng lên 25% tỉ trọng đơn hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong năm 2023, thay thế dần hàng phổ thông. Với tỉ suất như vậy, mức lợi nhuận thu về đạt mục tiêu nhiều năm doanh nghiệp phấn đấu.
Tận dụng lợi thế gần các thị trường lớn
Mặc dù EU và Hoa Kỳ chiếm tỉ trọng lớn với giá tốt trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng sức tiêu thụ các khu vực này đang bị tác động bởi lạm phát. Ngoài ra, chi phí logistics quá cao khiến cho thủy sản từ Việt Nam vào Hoa Kỳ, EU đang bị cạnh tranh gay gắt về giá cả so với Ecuador và Ấn Độ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta dẫn chứng với mặt hàng tôm. Một container 40 feet xuất đi Hoa Kỳ đang gánh 20.000 USD chi phí logistics, trong khi từ Ecuador sang Hoa Kỳ chỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, mỗi container 15 tấn họ giảm được 15.000 USD chi phí giá thành thì giá tôm của họ đã rẻ hơn chúng ta 1 USD/kg, ông Lực đánh giá và cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung phải khai thác lợi thế chi phí logistics với thị trường Trung Quốc.
Thực tế kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh nhất so với các thị trường khác. 7 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ đạt hơn 1,4 tỷ USD thì kim ngạch vào thị trường Trung Quốc xếp thứ hai, với hơn 934 triệu USD, tăng xấp xỉ 81% so với cùng kỳ 2021.
Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, dư địa vào thị trường Trung Quốc còn rộng vì đây vừa là thị trường đông dân nhất thế giới đồng thời cũng có nhu cầu nhập nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. "Chúng ta ở bên cạnh thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, về chi phí logistics sang thị trường này thì chúng ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với Ecuador và Ấn Độ". Ông Lực nêu lợi thế nhưng cũng cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải tự nâng cấp sản phẩm vào thị trường này vì Trung Quốc đang đẩy mạnh truy suất nguồn gốc, quản lý chất lượng, hướng đến tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp như EU và Hoa Kỳ.
Với những thị trường lân cận trong khối CPTPP, hiện xuất khẩu cũng đang tăng trưởng tốt. Theo bà Lê Hằng, đại diện truyền thông VASEP, xuất khẩu cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia đều tăng trưởng 3 con số trong tháng 7, với tỉ lệ tăng từ 108-166% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhập khẩu cá tra từ Việt Nam cũng tăng trưởng tới 66%. Đáng nói là giá cá tra phile đông lạnh vào Australia, Singapore có xu hướng tăng, dao động từ 3-3,5 USD/kg. Bên cạnh lợi thế chi phí logistics thì những ưu đãi thuế suất vào các thị trường lân cận trong khối CPTPP sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản duy trì tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát ở khu vực EU và Hoa Kỳ.
Nhiều tập đoàn Thái Lan muốn đầu tư vào ngành năng lượng sạch tại Huế
Thừa Thiên Huế đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Thái Lan ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...
|
Trong 7 tháng đầu năm nay, Shopee ghi nhận nhu cầu mua sản phẩm gia dụng bền vững ở Malaysia tăng 14%
Shopee đang thu hút nhiều người bán hàng địa phương và bền vững hơn để cung cấp giá trị tốt nhất cho các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu khi ngày càng nhiều người Malaysia ngày càng có ý thức về môi trường.
|