Nga sẽ thay thế kênh đào Suez bằng Tuyến đường Biển phía Bắc?
Vào tháng 3, thương mại thế giới đã rơi vào khủng hoảng khi tàu Ever Given mắc cạn trong kênh đào Suez ở Ai Cập. Nó đã bị mắc kẹt trong sáu ngày, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do vậy, ngay lập tức khi xảy ra sự cố của Ever Given ở kênh đào Suez, Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các tuyến vận tải toàn cầu thay thế.
Tàu phá băng hạt nhân Arktika mạnh nhất thế giới của Nga. Nguồn: TASS |
Theo đó, Nga đã đưa ra nhận xét về sức hấp dẫn của các tuyến đường thay thế, cụ thể là Tuyến đường Biển Phương Bắc (NSR). Tuyến đường đó chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga, từ biển Kara đến eo biển Bering.
Một quan chức của Rosatom - phụ trách phát triển Tuyến đường Biển Phương Bắc, nói với một hãng tin Nga rằng "tiền lệ Suez đã cho thấy bất kỳ tuyến đường nào giữa châu Âu và châu Á mong manh như thế nào", đồng thời kêu gọi phát triển các tuyến đường thay thế như Tuyến đường Biển Phương Bắc.
Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev tuyên bố rằng, Nga sẽ làm mọi cách để việc sử dụng NSR trở nên thuận tiện, an toàn và giảm phát thải các chất độc hại ra môi trường. Chiều dài các tuyến của Tuyến đường Biển Phương Bắc hơn 5,6 nghìn km, chiều dài các tuyến đường sông thông thuyền lân cận khoảng 37 nghìn km.
Bộ Ngoại giao Nga và quan chức cấp cao của Hội đồng Bắc Cực của Liên bang Nga cũng ra sức tuyên truyền trên truyền thông là Tuyến đường Biển Phương Bắc (NSR) tốt hơn Kênh đào Suez. Hãng thông tấn RIA Novosti trích phỏng vấn quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Tuyến đường biển Phương Bắc ngắn hơn 40% so với tuyến đường vận tải qua kênh đào Suez.
NSR có một số lợi thế, bao gồm cả những lợi thế chính trị. Chiều dài ngắn hơn của nó cho phép bạn giảm không chỉ thời gian mà còn cả chi phí nhiên liệu. Điều này giúp giảm thiểu tải trọng do con người gây ra đối với môi trường.
Song song, Điện Kremlin ráo riết xây dựng các tàu phá băng hạt nhân thế hệ mới - trọng tâm của chiến lược mở rộng Bắc Cực, nhằm mục đích mở Tuyến đường biển Phương Bắc - dài 6.000 km – xuyên qua băng giá từ châu Âu đến châu Á mà Moscow hy vọng một ngày nào đó sẽ sánh ngang với kênh đào Suez.
Liên quan diễn biến, tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga cho biết, 5 tàu hạt nhân sẽ ra khơi vào giữa thập kỷ này. Hai tàu Ural và Sibir đã được hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Baltic.
Cùng với đó, Arktika - con tàu mới nhất và là một phần quan trọng của chiến lược phát triển địa cực của Moscow cũng đã hoạt động trong khu vực Tuyến đường Biển Phương Bắc từ cuối năm 2020.