Nga kỳ vọng Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể "thông dòng" vào tháng 1/2022
Nguồn minh họa |
Theo Reuters, phát biểu tại một hội nghị trực tuyến hôm 17/12, ông Pavel Zavalny, Chủ tịch Ủy ban năng lượng tại Hạ viện Nga, cho biết, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức ngay trong đầu năm sau.
“Tôi có thể khẳng định chắc chắn dự án hợp tác khí đốt Nga-Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022, vì việc tiếp tục trì hoãn cấp phép cho tuyến đường ống quan trọng này sẽ không có lợi cho Đức cũng như các nước trong Liên minh châu Âu” - ông Pavel Zavalny cho hay.
Ông Zavalny cũng lưu ý thêm rằng, vào thời điểm đó, lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ của châu Âu sẽ giảm kỷ lục do nhu cầu tăng mạnh vào mùa đông và điều này sẽ khiến cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu lục này thêm nghiêm trọng.
“Đây sẽ là yếu tố quan trọng để Đức không tiếp tục kéo dài quá trình xem xét cấp phép cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Được biết, hôm 17/12, nhà điều hành tuyến đường ống mà Tập đoàn Khí đốt Quốc gia Nga Gaprom cho biết, Công ty Nord Stream 2 AG đã bắt đầu nạp khí vào nhánh thứ hai của đường ống dẫn khí.
Thông báo cũng chỉ rõ rằng, nhà quản lý và điều hành của “Dòng chảy phương Bắc -2” sẽ báo cáo thêm về các bước kỹ thuật tiếp theo.
Vào ngày 16/11, từng có thông tin cho biết việc đăng ký chứng nhận “Dòng chảy phương Bắc 2” đã bị đình chỉ. Theo kế hoạch việc này, lẽ ra phải kết thúc vào ngày 8/1/2022 nhưng hiện tại thời điểm đó đã bị hoãn lại vô thời hạn. Nguyên nhân là do Nord Stream 2 AG bị cáo buộc chưa tuân thủ luật của châu Âu về việc thành lập công ty con để quản lý, điều hành các đoạn đường ống trên lãnh thổ Đức. Do đó, công ty này hiện đang xúc tiến thành lập công ty con ở Đức để đăng lý kinh doanh.
Trong khi đó, ở một diễn biến khác, hãng tin Mỹ Bloomberg hôm 17/12 dẫn nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ cho biết, Washington đang hối thúc Berlin đồng ý dừng Dòng chảy phương Bắc-2 để tiếp tục nghiên cứu, xem xét về những hệ lụy của nó đối với an ninh năng lượng và chính sách đối ngoại của châu Âu, nhưng ban lãnh đạo mới ở Berlin vẫn chưa tỏ ý sẵn sàng cho việc này.
Bên cạnh đó, các đại biểu Nghị viện châu Âu cùng ngày cũng đã nhất trí kêu gọi chính quyền các nước thuộc liên minh không để cho đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc-2” đi vào hoạt động.
[Hình ảnh]