New York giới hạn lượng khí thải từ hàng ngàn tòa nhà lớn
Chủ sở hữu bất động sản ở thành phố New York đã phản đối luật mới mà theo dự kiến sẽ được Thị trưởng thành phố này, Bill de Blasio ký. |
Theo đạo luật vừa được Hội đồng thành phố thông qua, các tòa nhà có diện tích từ 2.300 m2 trở lên sẽ phải cắt giảm ít nhất 40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Nếu không, chủ nhà sẽ phải chịu phạt lên tới hàng triệu USD, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Điều luật này sẽ áp dụng cho 50.000 tòa nhà từ các tòa nhà có vài chục căn hộ đến Trump Tower, tòa nhà chọc trời trên đại lộ số 5 (Fifth Avenue) tại New York, Mỹ mà theo những người ủng hộ luật cho rằng là những tòa nhà gây ô nhiễm lớn.
“Đây sẽ là chính sách giảm phát thải lớn nhất từ trước đến nay, tại bất kỳ thành phố nào”, ủy viên hội đồng thành phố Costa Constantinides, người dẫn đầu dự luật cho biết.
Luật đưa ra giới hạn về số lượng carbon mà một tòa nhà có thể sản xuất trên mỗi feet vuông, với các giới hạn khác nhau đối với các tòa nhà dân cư, thương mại và công nghiệp.
Để đáp ứng được tiêu chuẩn mới, các tòa nhà phải được nâng cấp với công nghệ tiết kiệm năng lượng. Quá trình này ước tính sẽ tiêu tốn hơn 4 tỷ USD. Nhưng bù lại, chi phí năng lượng và vận hành sẽ giảm khi hệ thống mới đi vào hoạt động.
Đây là nỗ lực để giải quyết nguồn khí nhà kính lớn nhất ở New York, nơi các tòa nhà chiếm khoảng 67% lượng khí thải.
Căn hộ cho thuê ổn định sẽ được miễn giới hạn, tuy nhiên những căn hộ này sẽ phải nâng cấp để cải thiện hiệu quả năng lượng. Nhà thờ, giáo đường và nhà thờ Hồi giáo cũng nằm trong danh sách ngoại trừ, như hệ thống nhà ở công cộng thành phố.
Các ngân hàng cho rằng các trường hợp ngoại lệ không công bằng khiến cho các tòa nhà thương mại và nhà ở có giá trị thị trường phải gánh chịu toàn bộ gánh nặng.
Các chủ sở hữu bất động sản đã phản đối kế hoạch này, cho rằng quá tốn kém và quá khó khăn với các trường hợp ngoại lệ để có hiệu quả.
“Đạo luật này sẽ có tác động tiêu cực đến khả năng thu hút và duy trì một loạt các ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ, truyền thông và tài chính trong khi các ngành này mang lại cơ hội và góp phần tăng trưởng kinh tế rất quan trọng đối với thành phố,” John Banks - Chủ tịch của Hội đồng quản trị bất động sản New York cho biết.
Các tòa nhà vi phạm giới hạn trên sẽ phải chịu mức phạt 268 USD một năm cho mỗi tấn carbon dư thừa mà các tòa nhà gây ra. Mức phạt này có thể lên tới hàng triệu USD cho những trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhất.
New York đẩy mạnh ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời. |
Thành phố đang đặt mục tiêu thiết lập một chương trình cắt giảm lượng carbon phát thải, mặc dù chi tiết chưa được xác định. Đến năm 2050, mục tiêu là cắt giảm 80% lượng khí thải của tòa nhà.
Điều luật cũng yêu cầu các tòa nhà mới phải lắp đặt mái nhà xanh hoặc các tấm pin mặt trời trên mái nhà.
Các tòa nhà là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất vì chúng sử dụng nhiều năng lượng để sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng. Đáng quan ngại là năng lượng lại đang được sử dụng không hiệu quả; thường xảy ra hiện tượng rò rỉ nhiệt vào mùa đông và không khí mát vào mùa hè thông qua các cửa sổ cũ và không đủ cách nhiệt.
Theo thông tin từ một hội thảo ở New York, dự báo mực nước biển sẽ dâng lên tới 6ft nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát, khiến những dải đất rộng lớn của thành phố hứng chịu nhiều trận lũ lụt. Thị trưởng Bill de Blasio hồi tháng trước đã đề xuất xây dựng một đoạn mới của quận Manhattan để bảo vệ hòn đảo hiện tại khỏi mực nước biển gia tăng.
Trước New York, đã có một số thành phố tại Mỹ đưa ra các sáng kiến nhằm hạn chế lượng phát thải carbon. Tuy nhiên, bước đi của New York được xem là quyết liệt và chưa có tiền lệ bởi đây là thành phố đầu tiên đặt ra mục tiêu và lộ trình cụ thể về lượng khí carbon cần cắt giảm cho các tòa nhà./.
Xem thêm
EU sẽ cắt giảm 45% khí thải CO2 của xe ô tô vào năm 2030 Các nhà lập pháp EU đã ủng hộ mục tiêu giảm 45% khí thải CO2 đầy tham vọng hơn cho các xe ô tô và ... |
Dẫn đầu phong trào giảm khí thải nhà kính nhưng Đức vẫn phải dựa vào nhiệt điện than đá Mục tiêu giảm 40% khí thải nhà kính của Đức từ nay đến năm 2020 được đánh giá là tham vọng nhất Châu Âu, thậm ... |
Từ 1/1/2018 ô tô mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 TĐO - Bắt đầu từ ngày 1/1/2018 tất cả các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng ... |