Nâng cao hiệu quả quản lý người nước ngoài ở Việt Nam
Ngày 31/3, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề "Quản lý người nước ngoài ở Việt Nam trong tình hình hiện nay". Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bộ Công an |
Đề dẫn tại Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân nhấn mạnh, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam hoạt động kinh tế, văn hoá, từ thiện nhân đạo, thăm thân, du lịch ngày càng gia tăng. Điều này đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên cũng đã xuất hiện một số vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến người nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng một số người nước ngoài đã lợi dụng chính sách thông thoáng để vào Việt Nam hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, kích động biểu tình, truyền đạo trái pháp luật; lừa đảo, trộm cắp cước viễn thông, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn; thực hiện các hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép như đầu tư, kinh doanh, du lịch, lao động, khám chữa bệnh, dạy học, tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người; làm giả giấy tờ để ở lại Việt Nam, móc nối và “núp bóng” một số cá nhân, doanh nghiệp người Việt Nam để mua bán bất động sản, hoạt động đầu tư kinh doanh ở khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh…
Trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, các vấn đề phức tạp trên có thể trở thành nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia nếu không tổ chức hiệu quả công tác quản lý người nước ngoài.
Hội thảo “Quản lý người nước ngoài tại Việt Nam trong tình hình hiện nay” là diễn đàn khoa học để trao đổi, thảo luận nhằm tổng kết, đánh giá hiện trạng hoạt động quản lý người nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua; phát hiện những hạn chế, bất cập; gợi mở, khuyến nghị những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới. Thông qua Hội thảo cũng góp phần thống nhất nhận thức, đưa ra phương hướng, giải pháp bổ sung, hoàn thiện lý luận quản lý người nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất nhận thức chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý người nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp, các điều kiện bảo đảm trong quản lý người nước ngoài tại Việt Nam; đánh giá thực tiễn tổ chức các hoạt động quản lý người nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua, chỉ ra những hạn chế, bất cập và phương hướng giải quyết trong thời gian tới.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, một yêu cầu quan trọng đặt ra trong quản lý người nước ngoài ở Việt Nam là vừa đảm bảo thủ tục thông thoáng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong tình hình hiện nay.
Trong khi đó, Thiếu tướng, TS Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đề xuất sớm có giải pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, lao động của người nước ngoài tại Việt Nam một cách đồng bộ, đảm bảo kết nối an toàn, sẵn sàng kết nối với Công an các đơn vị, địa phương khi có yêu cầu. Đồng thời, góp phần củng cố hệ thống an ninh, ngăn chặn những phần tử khủng bố quốc tế thông qua con đường xuất nhập cảnh để thâm nhập hoạt động phá hoại hoặc hoạt động phi pháp…
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lương Tam Quang đề nghị các đơn vị chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có hệ thống chính sách về quản lý người nước ngoài ở Việt Nam; chủ động hợp tác quốc tế sâu rộng; tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu nhằm chỉ ra những chồng chéo, bất cập; đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý người nước ngoài ngay trong lực lượng Công an nhân dân. Quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nước ngoài ở Việt Nam, trước mắt hoàn thiện hệ thống quản lý người nước ngoài đồng bộ từ Cục đến Công an cấp xã. Tập trung đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, sai quy định.