Mỹ nói Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông
Ấn Độ mua tên lửa triển khai dọc biên giới với Trung Quốc |
Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận bắn tên lửa ở Biển Đông |
Các binh sĩ và chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc AFP |
Theo Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ (hay Lầu Năm Góc) ngày 2.9, các nước láng giềng có thể sẽ chứng kiến Trung Quốc triển khai tàu sân bay mới nhất và tên lửa diệt hạm hướng ra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Lầu Năm Góc cảnh báo quân đội Trung Quốc đang tập trung tăng cường năng lược “viễn chinh” nhờ vào quân sự hóa những thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng và quân sự hóa phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, theo trang tin BenarNews.
Trong buổi công bố báo cáo tại thủ đô Washington D.C, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chad Sbragia lên án việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, xem thường luật pháp quốc tế và phớt lờ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Báo cáo của Lầu Năm Góc đánh giá Bắc Kinh hiện đại hóa quân sự đến mức quân đội Trung Quốc “vượt mặt Mỹ” trong một số lĩnh vực.
Chẳng hạn, Trung Quốc đang sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với lực lượng tham chiến có tổng cộng khoảng 350 chiến hạm và tàu ngầm, so với 293 tàu của Mỹ, theo báo cáo. Lầu Năm Góc đánh giá Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa lực lượng hải quân là nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi pháp nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Đáng chú ý là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Sơn Đông "rất có thể" sẽ được triển khai lâu dài tại căn cứ hải quân Du Lâm ở đảo Hải Nam, ở vị trí có thể giúp hải quân Trung Quốc dễ dàng tiến đến Hoàng Sa và Đài Loan.
Trung Quốc cũng sở hữu 30 khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Type 054A và hơn 42 tàu hộ tống Type 056. Cả hai loại tàu chiến này thường xuyên được phát hiện ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc đồng thời có kế hoạch điều “chiến hạm không người lái có hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)” tuần tra ở Biển Đông, nhưng Lầu Năm Góc không cung cấp thông tin chi tiết.
Ngoài ra, lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc phát triển theo cấp số nhân, từ 2 lên 8 lữ đoàn, với nhiệm vụ bảo vệ những thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.
Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng các sân bay và nhà chứa máy bay ở các thực thể Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp nhằm mở rộng phạm vi hoạt động cho lực lượng không quân. Từ đây, Trung Quốc trong tương lai có thể triển khai các máy bay chiến đấu từ những thực thể này để hoạt động trên Biển Đông và thậm chí vươn tới Ấn Độ Dương, theo báo cáo nhận định.
Hai trong số các máy bay ném bom mới nhất của Trung Quốc, H-6K và H-6J, được cho là đã hạ cánh xuống đường băng phi pháp ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và Đá Chữ Thập (Trường Sa). Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc lưu ý Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không và diệt hạm tiên tiến cùng thiết bị gây nhiễu tại những tiền đồn phi pháp ở Trường Sa.
Trong buổi họp báo ngày 2.9, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bào chữa rằng chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích phòng vệ và gọi đó là “lộ trình phát triển hòa bình”.
Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc cho rằng Bắc Kinh nỗ lực tăng cường năng lực tấn công các tàu chiến đang di chuyển trên biển bằng tên lửa phóng từ đất liền Trung Quốc. Lầu Năm Góc xác định Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa diệt hạm vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa hồi tuần rồi, trong đó có một tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, trong cuộc tập trận bắn đạn thật.
Theo Lầu Năm Góc, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đẩy mạnh phát triển những tên lửa được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm” vốn có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Báo cáo ước tính Trung Quốc đang sở hữu khoảng 200 tên lửa DF-26.
Báo cáo đồng thời lưu ý Lực lượng Tên lửa Trung Quốc sở hữu hơn 1.250 tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500 km.
“Chính phủ Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động quân sự hóa Biển Đông… Do đó, chúng tôi phải tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực”, ông Sbragia nói.
Trung Quốc cảnh báo Biển Đông không phải là nơi quân đội Mỹ có thể hành động tùy tiện Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không bắn trước nhưng Biển Đông không phải là vùng biển Caribe, nơi quân đội ... |
Mỹ - Trung nguy cơ căng thẳng sau vụ phóng tên lửa ra Biển Đông Vụ Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông có thể khiến Mỹ có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, làm tăng ... |
Mỹ: Trung Quốc sai lầm khi phóng tên lửa đạn đạo trên Biển Đông Trung Quốc đã nhầm khi cho rằng việc phóng tên lửa đạn đạo trên Biển Đông có thể đe dọa Mỹ, Đặc phái viên của ... |