Muôn sắc quảng bá văn hóa Việt
Hà Nội: Du xuân hữu nghị quảng bá văn hóa
Nhiều năm qua, du xuân hữu nghị đã trở thành một hoạt động đối ngoại nhân dân truyền thống của thành phố Hà Nội. Tham gia sự kiện, các Đại sứ, phu nhân, phu quân, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa Việt Nam như: gói bánh chưng, viết thư pháp, nặn tò he, khắc in mộc bản truyền thống...
Đại sứ và các nhân viên ngoại giao trải nghiệm hoạt động nặn tò he - một trong những trò chơi dân gian Việt Nam tại làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Hải Triều). |
Hoạt động có ý nghĩa không chỉ là để giới thiệu nét văn hóa du xuân của người Việt Nam tới các bạn nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam mà còn là cơ hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Trong hành trình năm 2022, ông Anton Golubev - Tham tán phụ trách Kinh tế, Thương mại, Đầu tư, Quân sự, Quốc phòng, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Nga tại Việt Nam nói ông rất mong ngóng Tết Việt và ấn tượng với ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là những món ăn ngày Tết. Hành trình trải nghiệm ở làng cổ Đường Lâm giúp ông hình dung cụ thể về ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Trong nhiều chương trình du xuân hữu nghị tổ chức trước đó, nhiều người bạn quốc tế cũng đã bày tỏ sự quan tâm, ấn tượng với các giá trị văn hóa Việt. Sau 20 năm tổ chức, chương trình thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài, đặc biệt là các nhà ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam... Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội cho biết: "Có một điều rất vui là cứ đến đầu năm các bạn lại chia sẻ rằng đang hồi hộp chờ đợi chuyến du xuân mới và thường hỏi trước chúng tôi năm nay đi đâu. Họ coi đây là một sân chơi để khám phá Việt Nam và Thủ đô. Thông qua hoạt động du xuân của chúng tôi, họ sẽ tuyên truyền cho nhân dân nước mình về những điểm đến đó".
Hà Giang: Lồng ghép quảng bá văn hóa trong các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa Việt Nam, tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện công tác quảng bá văn hóa với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.
Tỉnh đã giới thiệu sản phẩm, ẩm thực, các nét văn hóa độc đáo của Hà Giang tại nhiều sự kiện trong và ngoài nước như: Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới IPU 132; Liên hoan ẩm thực ASEAN và các nước; lễ hội qua các miền di sản Việt Bắc, biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong chuyến thăm và làm việc của Bí thư Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tại Hà Giang; tổ chức Lễ hội khèn Mông, Lễ hội hoa Tam giác mạch; tổ chức giải chạy bán marathon “Chạy trên cung đường hạnh phúc”, đua xe ô tô, xe mô tô trên địa hình Cao nguyên đá Đồng Văn.
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động đối ngoại, chương trình, cơ chế hợp tác giữa tỉnh Hà Giang với các tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và một số địa phương của Nhật Bản, Philippine, Hàn Quốc, tỉnh tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm Trưởng đoàn đi công tác ở nước ngoài; tổ chức đón các đoàn đại biểu của các địa phương có quan hệ hợp tác với tỉnh hoặc các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội đến thăm và làm việc tại tỉnh.
Trong các buổi làm việc với các địa phương nước bạn, lãnh đạo tỉnh Hà Giang luôn chú trọng đến việc giới thiệu, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, yếu tố văn hóa đặc sắc của tỉnh. Quà tặng ngoại giao luôn ưu tiên lựa chọn sản phẩm mang đậm yếu tố văn hóa của đồng bào các dân tộc của tỉnh như: Nhạc cụ âm nhạc truyền thống của dân tộc Mông, thổ cẩm lanh Lùng Tám, Cán Tỷ, thổ cẩm lanh Bắc My của dân tộc Pà Thẻn; chè Shan tuyết…
Qua đó giới thiệu những yếu tố đặc sắc của văn hóa các dân tộc, tiềm năng về kinh tế, du lịch cho bạn bè thế giới cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Bắc Ninh: Tăng sự hiện diện tại các sự kiện văn hóa quốc tế
Năm 2019, trong chuyến lưu diễn tại một số nước châu Âu, chương trình biểu diễn nghệ thuật của đoàn nghệ thuật Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh đã để lại tình cảm và ấn tượng đậm nét trong cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế qua những làn điệu quan họ nổi tiếng mượt mà tha thiết như ''Mời nước-mời trầu,'' ''Tương phùng-tương ngộ,'' ''Người ơi đến hẹn lại về,'' ''Giã bạn''… Trong các buổi biểu diễn, đại diện lãnh đạo Hội người Việt Nam tại các nước đoàn đến biểu diễn đều nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn cũng như quảng bá văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài nói chung và tại Séc nói riêng, nhất là dân ca quan họ, vì đây là di sản văn hóa dân tộc được UNESCO công nhận là di dản văn hóa phi vật thể thế giới.
Cùng với quan họ, trong những năm qua, hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc ra thế giới đã góp phần tạo dựng lòng tin, sự yêu mến trong cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng văn hóa Bắc Ninh, tăng cường sức mạnh mềm, góp phần nâng cao vị thế quê hương, đất nước.
Tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn, mở rộng hoạt động ngoại giao văn hóa quy mô lớn, thường niên ở nước ngoài; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học, du lịch… thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi quốc gia, khu vực và quốc tế; tham gia tích cực các hoạt động quảng bá văn hóa-du lịch của Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO) mà tỉnh Bắc Ninh là thành viên. Lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa trong các chương trình công tác của lãnh đạo tỉnh tại nước ngoài...
Quan họ Bắc Ninh sang Đức (Ảnh: Hồng Kỳ). |
Mở rộng sự hiện diện hình ảnh Bắc Ninh tại các sự kiện văn hóa quốc tế có uy tín, tiêu biểu như Triển lãm thế giới (EXPO), các sự kiện văn hóa, thể thao lớn ở nước ngoài... Tích cực giới thiệu, quảng bá giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được UNESCO vinh danh tại các nước có đông người Việt sinh sống; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu các điểm đến, lễ hội, các di tích lịch sử, di sản, các làng nghề truyền thống đặc sắc; tăng cường giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương cũng như các kênh mạng xã hội về những giá trị độc đáo, đặc sắc của các di sản văn hoá tiêu biểu ở Bắc Ninh.
Tỉnh cũng có chủ trương, chính sách ưu tiên đối với phát triển ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng, nghiên cứu thị trường để quảng bá văn hóa, ấn phẩm, những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống trong tỉnh mang đặc trưng nét văn hóa riêng của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc đến với bạn bè quốc tế;
Đặc biệt, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu văn hoá giữa các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, nhà báo, học sinh, sinh viên, thanh niên Bắc Ninh với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế. Hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để mỗi người dân trong quá trình giao tiếp, ứng xử cũng là những vị “đại sứ văn hóa” chuyển tải tinh hoa văn hóa quê hương, dân tộc ra thế giới.
Cùng với Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh, các tỉnh thành trong cả nước cũng đã nỗ lực quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, nhân thêm sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.