Mười năm “Trận động đất Tohoku ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương năm 2011”: Và “Hoa đã nở”
Thời Đại trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của giáo sư Nguyễn Ngọc Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản về nội dung này:
Từ đầu tuần này, các phương tiện truyền thông Nhật Bản và trong cuộc sống của người dân đã luôn nhắc về thảm họa này cách đây 10 năm với nhiều hoài niệm, đớn đau nhưng cũng thật dũng mãnh và tin vào tương lai sớm khôi phục lại...
Chiều ngày 6/3/2021, Đài truyền hình NHK Nhật Bản đã dành toàn bộ thời lượng cho các phóng sự và tư liệu về trận động đất đó, nhất là những tư liệu về những người từng trải qua trong sự kiện đó và sống sót, nay hồi tưởng lại...
Việt Nam: Một “Mối ân tình”
Nhiều nước đã chia sẻ với Nhật Bản về nỗi đau thương, mất mát trong thiên tai đó... Đặc biệt, Việt Nam chúng ta ngay từ ngày 12/3/2011 đã có phong trào tự phát trong nhân dân: các tổ chức, tầng lớp xã hội; từ trẻ em cấp tiểu học đến các cụ hưu trí, để bày tỏ sự chia sẻ gần gũi gắn kết và quyên góp hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai đó tại Nhật Bản... “Của ít, lòng nhiều” - đó là tấm lòng hiếm có, thể hiện tình hữu nghị sâu đậm giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Đúng một tháng sau trận động đất, ngày 11/4/2011, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Naoto Kan đã gửi thư cảm ơn Nhân dân Việt Nam với tựa đề “Mối ân tình” (絆- Kizuna). Bức thư mở đầu bằng những lời cảm tạ:
“Nhân dân Nhật Bản chân thành cảm ơn sự hỗ trợ và lời thăm hỏi ân cần của nhân dân Việt Nam. Sự động viên và tình hữu nghị của các bạn đã giúp chúng tôi sức mạnh để sớm hồi sinh sau thảm họa. Xin cảm ơn các bạn về mối ân tình!”.
Trong bức thư hơn 400 từ đó, phần kết bức thư Thủ tướng Naoto Kan viết:
“Một lần nữa, xin chuyển tới các bạn lời cảm ơn chân thành tận đáy lòng mình. Người bạn trong lúc hoạn nạn là người bạn chân thành”. (Toàn văn bức thư đọc tại đây)
Tấm biểu ngữ lớn được treo trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội từ tháng 3/2011 ghi:
“XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN SỰ HỖ TRỢ QUÝ BÁU CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ DÀNH CHO CÁC NẠN NHÂN THIÊN TAI NHẬT BẢN.
Với lòng biết ơn của nhân dân Nhật Bản.”
Tấm biểu ngữ lớn được treo trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội từ 3/2011. (Ảnh: Tiến Thành/Tuổi trẻ) |
“Hoa sẽ nở”
Chúng ta đã chứng kiến nhiều đức tính cao đẹp của con người Nhật Bản để vượt qua những thời điểm khó khăn bởi thảm họa thiên nhiên. Ngay từ năm 2011, Đài truyền hình NHK đã thành lập “Dự án hỗ trợ tái thiết vùng thiên tai Tohoku” và kêu gọi những sáng tác vận động từ thiện...
Năm 2012, xuất hiện ca khúc “Hoa sẽ nở” (花は咲く- Hana wa Saku) do ông Shunji Iwai (nhà thơ, nhạc sĩ, đạo diễn; sinh năm 1963) sáng tác thơ và bà Yoko Kanno (nhà viết kịch, đạo diễn, biên tập âm nhạc; sinh năm 1963) sáng tác nhạc. Cả hai tác giả đều sinh ra tại tỉnh Miyagi – trung tâm thiệt hại lớn nhất của trận động đất này. Bài hát lập tức được sự chú ý và đồng cảm của người dân Nhật Bản. Bản thu âm và CD đầu tiên xuất hiện vào năm 2012. Kể từ đó, “Hoa sẽ nở” trở thành bài hát cổ vũ tinh thần quật cường và bền bỉ cho các tuyển thủ thể thao, các nhà hoạt động xã hội, các ca sĩ, nghệ sĩ, sinh viên, học sinh... Đặc biệt, “Hoa sẽ nở” gắn với tuổi thơ tại các trường học nơi bị thiên tai và các trường học ở cả nước Nhật hướng về nơi đó. Thời điểm tháng Ba này cũng là lúc các trường ở Nhật Bản kết thúc năm học với lễ chia tay, lễ trưởng thành... đều vang vọng “Hoa sẽ nở” như lời nhắc nhở ân tình và thúc đẩy quyết tâm vươn lên trong cuộc sống... Nhiều bức thư gửi người thân yêu của mình đã mất vì thiên tai đó, luôn thấy hình bóng người thân yêu bên mình để giúp đỡ động viên, đồng thời hứa sẽ cố gắng hết sức để sống xứng đáng như “Hoa sẽ nở” đã nói giúp tâm trạng...
"Hana wa Saku" đã được chọn là số 1 trong hạng mục thể thao & công nghệ của "NHK Viewers’ Choice Award 2014" do đài truyền hình quốc tế NHK tổ chức. Hơn nữa, ca khúc cũng được biểu diễn tại các sự kiện quốc tế tổ chức tại Nhật Bản, như tại Giải Trượt băng nghệ thuật Quốc tế NHK Trophy 2014... Tác giả lời ca Shunji Iwai nói: "Tôi thực hiện lời bài hát này từ góc nhìn của một người đã khuất trong trận động đất. Tôi hy vọng đó sẽ là một bài hát vẫn tồn tại mà không cần biết ai là tác giả...".
Có nhiều phiên bản thu âm cho “Hoa sẽ nở”, điển hình như: bản thu âm năm 2012 với nhiều ca sĩ và nhân vật nổi tiếng tham gia trong clip; bản thu âm năm 2012 do tốp ca nữ biểu diễn, phiên bản dành cho các trường học, tập thể; bản thu âm năm 2012 do hợp xướng biểu diễn theo phong cách cổ điển, hàn lâm (classic); bản thu âm năm 2012 do Dàn nhạc Giao hưởng và Hợp xướng số 9 Hakone biểu diễn bổ sung thêm vào cuối chương trình kịp hưởng ứng cuộc vận động sáng tác “Bài hát từ thiện” của NHK. Do mới sáng tác khi đó nên các ca sĩ còn chưa thuộc lời, phải cầm bản nhạc hát. Nhưng phần nhạc và phối khí thật tuyệt vời. Nhạc trưởng đã có lời dẫn: đây là tiết mục bổ sung, không nằm trong chương trình đêm nay, đoạn điệp khúc xin các khán giả cùng hát “hoa nở, hoa sẽ nở...” để cùng hỗ trợ sự hồi phục vùng thiên tai...
Sau này, “Hoa sẽ nở” còn có bản thu âm năm 2013 do các nghệ sĩ quốc tế dàn dựng video clip do ca sĩ Marisa de Silva (U.S.A.) biểu diễn và nghệ sĩ Megumi Okamoto (Japan) đệm piano và đặc biệt là bản biên tập năm 2016 của NHK với ý tưởng: Những "bông hoa" mới đã được sinh ra bởi những người giành huy chương đã làm sôi động khắp Nhật Bản tại Thế vận hội Rio de Janeiro và Paralympic mùa hè năm 2016. Năm mươi lăm người đoạt huy chương đã đến vùng thiên tai tưởng nhớ những nạn nhân, và giọng hát của họ đã hòa vào nơi ấy...
Bên cạnh đó, cũng có một phóng sự của NHK năm 2012 gây ấn tượng mạnh: đó là buổi tập hát “Hoa sẽ nở” của học sinh một trường trung học cơ sở để ghép nhạc piano vào buổi tối duy nhất để hôm sau NHK ghi hình. Người đệm đàn là Nobuyuki Tsujii – một nhạc sĩ piano bị mù bẩm sinh. Khi ghép nhạc xong, cả thầy và trò đều rơi nước mắt vì bài hát nhớ về các bạn và người thân đã khuất, cũng như lời người đã khuất vọng lại...
Trở lại “Hoa sẽ nở”, bản dịch nhanh sang tiếng Việt nội dung lời bài hát có thể như sau:
HOA SẼ NỞ 1. Bạn có cảm nhận được làn gió xuân trên con đường phủ đầy tuyết trắng không? Nó gợi nhớ quê hương cũ của tôi mà tôi sẽ không bao giờ gặp lại Khi đó tôi luôn đuổi theo cầu vồng, tôi đã muốn thay đổi bản thân Tôi chỉ giữ vững niềm tin khi tôi khao khát người thân yêu của mình Tôi có thể nghe bạn hát để xoa dịu tâm hồn, tôi có thể nghe bạn hát để thanh thản Tôi có thể nhìn thấy bạn cười qua nỗi buồn, tôi có thể thấy bạn cười sau khi khóc... Hoa sẽ nở và nở trở lại, cho bạn - người sẽ đến thế giới vào một ngày nào đó Hoa sẽ kết nụ và nở, tôi đã làm điều gì tốt để đọng lại trong trái tim bạn chưa?
2. Ngoài bầu trời đêm, tôi nhìn thấy ánh bình minh đầu tiên trong bóng tối Nó đưa tôi trở lại những ngày xưa tốt đẹp - Điều đó sẽ không bao giờ trở lại nữa Đôi khi tôi làm tổn thương người tôi yêu và làm tổn thương chính mình, chỉ để khóc Tôi chỉ giữ chặt, níu kéo bây giờ, mong mỏi người thân yêu của tôi Tôi có thể cảm nhận được suy nghĩ của bạn, sự ràng buộc của chúng ta với nhau, tôi có thể cảm nhận được suy nghĩ của bạn, về nhà với tôi Tôi có thể nhìn thấy ánh bình minh trong mắt bạn, tôi tin rằng bạn đang ở trong bình minh, bạn đã bắt đầu lại cuộc sống..
Hoa sẽ nở và nở trở lại, cho bạn - người sẽ đến thế giới vào một ngày nào đó Hoa sẽ kết nụ rồi lại nở, tôi đã làm được điều gì tốt để đọng lại trong tim bạn chưa... Hoa sẽ nở và nở trở lại, cho bạn - người sẽ đến thế giới vào một ngày nào đó Hoa sẽ kết nụ rồi lại nở, tôi đã làm được điều gì tốt để đọng lại trong tim bạn chưa... Dành cho bạn, người sẽ yêu một ngày nào đó... |
“Hoa sẽ nở” là một ca khúc trữ tình, lắng đọng...
Mười năm trôi qua, khu vực bị thiên tai đã và đang hồi sinh...
Xin chúc mừng đất nước và con người Nhật Bản luôn đứng vững và vượt lên mọi khó khăn để tiến về phía trước, xây dựng cuộc sống thanh bình, nhân văn và đậm tình người!
Trân trọng chia sẻ cùng anh chị em những cảm nhận cá nhân về sự kiện Mười năm “Trận động đất Tohoku ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương năm 2011” và đôi lời về ca khúc “Hoa sẽ nở”...
Nguyễn Ngọc Bình
Trường SĐH CNTT Kyoto (KCGI), Nhật Bản
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản