Múa dân gian Ấn Độ lan tỏa thông điệp tình yêu đến khán giả Việt Nam
Chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ tại tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Chương trình bao gồm 5 tiết mục đến từ nhóm múa Pratibha Kala Kendra - nhóm nghệ thuật nổi tiếng tại Ấn Độ về múa dân gian kết hợp các yếu tố như nhảy, diễn xuất và âm nhạc để kể các câu chuyện về văn hóa và truyền thống dân tộc. Được dàn dựng công phu, tiết tấu vui nhộn với âm nhạc, trang phục mang đậm màu sắc văn hoá Ấn Độ, mỗi tiết mục múa kể các câu chuyện khác nhau xoay quanh cuộc đời và tình yêu của thần Krishna và nàng Radha cũng như nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian của người Ấn Độ - Lễ hội Holi.
Tiết mục múa kể về truyền thuyết tình yêu của vị thần Krishna và nàng Radha. (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Tiết mục đầu tiên, "Brajvandna", tái hiện nghi lễ cầu nguyện tưởng nhớ đến thần Krishna và Radha, thường mở đầu các sự kiện để cầu chúc thành công. Tiết mục thứ hai, "MayurRaas", kể về tình yêu của nàng Radha dành cho thần Krishna, với điểm đặc biệt là các nghệ sĩ hóa thân vào hình dáng những con công, tượng trưng cho thiên nhiên, thể hiện thông điệp về lan tỏa tình yêu đến thế giới, nhân loại.
Tiết mục thứ ba là một phân đoạn của vở múa "Raasleela", tái hiện lại mối gắn kết giữa thần Krishna và những người tôn sùng. Tiết mục thứ tư là "Barsaneki Lathamar Holi", điệu múa truyền thống được trình diễn trong dịp Lễ hội Holi (Sắc màu), mùa xuân ở miền Bắc Ấn Độ. Tiết mục cuối cùng là Phoolonki Holi (Holi và hoa), điệu múa ăn mừng với hoa trong lễ hội Holi.
Điệu múa trong hình dáng một con công của thần Krishna và nàng Radha. (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Nhiều tiết mục thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa các dân tộc của miền đất Yên Bái "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” cũng được các diễn viên của Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh biểu diễn đan xen trong chương trình. Đây là hoạt động nhằm tăng cường, mở rộng công tác đối ngoại theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời là dịp để các nghệ nhân Việt Nam và Ấn Độ được tìm hiểu, chia sẻ và học hỏi về nghệ thuật múa dân gian của hai quốc gia, hai dân tộc.
Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh Yên Bái biểu diễn những tiết mục mang nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã và đang có nhiều nỗ lực để phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ trên nền tảng quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước. Tỉnh đã tích cực mở rộng hợp tác nhiều mặt với các đối tác Ấn Độ; đón tiếp nhiều đoàn công tác và doanh nghiệp của Ấn Độ đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác, môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, hoạt động giao lưu văn hóa giữa tỉnh Yên Bái và Ấn Độ cũng luôn được chú trọng khi tổ chức phong phú, đa dạng các chương trình giao lưu với các Đoàn nghệ thuật của Ấn Độ. Bà hy vọng, chương trình sẽ giới thiệu, lan tỏa những hình ảnh đẹp, tình cảm hữu nghị, đoàn kết và sự hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Yên Bái với các đối tác Ấn Độ; góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn mới.
Các đại biểu giao lưu cùng các diễn viên múa trên sân khấu. (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Tiến sĩ Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam) cho biết, chương trình trao đổi văn hóa là dịp để người dân tỉnh Yên Bái và người dân Ấn Độ cùng chiêm nghiệm về sự liên hệ văn hóa và văn minh sâu xa giữa Ấn Độ và Việt Nam. Bà mong muốn chương trình giao lưu nghệ thuật sẽ mang đến cho người dân Yên Bái cái nhìn thân thiện về văn hóa nghệ thuật Ấn Độ, khơi dậy sự tò mò và trân trọng vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa hai nước.
Nhóm múa Pratibha Kala Kendra đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu, tôn vinh các điệu múa dân gian từ nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ, nổi bật nhất là từ vùng Braj đến khán giả trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, nhóm có chuyến lưu diễn từ ngày 26-31/3 qua các tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Lào Cai... Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu văn hóa Ấn Độ do Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam tổ chức. Ngoài những màn trình diễn hấp dẫn, chuyến lưu diễn còn có các hội thảo giao lưu, mang đến cho khán giả cơ hội tìm hiểu về lịch sử, kỹ thuật múa và đặc trưng của các điệu múa dân gian Ấn Độ do chính các nghệ sĩ chia sẻ. |
Quảng bá du lịch Đà Nẵng đến khách Ấn Độ Đà Nẵng tiếp tục khẳng định sức hút của điểm đến về du lịch MICE và cưới dành cho du khách Ấn Độ tại Hội chợ SATTE 2024. |
Trồng cây vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Sáng 11/3, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (huyện Quốc Oai), Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP Hà Nội tổ chức lễ trồng cây hữu nghị năm 2024. |