Một số cổ phiếu VN30 tăng bất chấp lực bán mạnh của khối ngoại
Định vị thị trường
Vận động của chứng khoán châu Á đang thuận lợi và tích cực hơn khi nhiều chỉ số đang nối lại đà tăng. Chỉ số TWSE (+1,99%), HSI (+2,92%), KOSPI (+1,21%) đã tăng trên 1% trong khi NIKKEI 225 tăng 0,23%.
Trong khi đó, VN-Index lại không bắt nhịp theo xu hướng chung mà lại tiếp tục giằng co gây ức chế tâm lý nhà đầu tư trước ngày đáo hạn phái sinh. Chỉ số bị nhúng xuống dưới gần 1.270 điểm rồi tự triệt tiêu hết áp lực giảm trong giai đoạn cuối phiên.
Chất xúc tác
Trong khi tỷ giá tự do vẫn neo cao do DXY chưa có sự đảo chiều thì lãi suất liên ngân hàng đang tiếp tục chuỗi hạ nhiệt. Thống kê từ Refinitiv Eikon cho thấy, kỳ hạn qua đêm được giao dịch lớn nhất đã giảm tới 0,31 điểm phần trăm xuống 3,95%. Kỳ hạn 1 tuần cũng 0,22 điểm phần trăm xuống 4,22%.
Tuy nhiên, khối ngoại lại mở rộng quy mô bán ròng trên HOSE lên tới 1.630 tỷ đồng với các mã FPT (-221 tỷ đồng), VNM (-170 tỷ đồng), VPB (-130 tỷ đồng), VHM (-99,7 tỷ đồng) đứng đầu. Tỷ trọng của khối ngoại chiếm 8,5% tổng giao dịch 2 chiều của HOSE.
Vận động thị trường
Dù đều là những mã bị khối ngoại bán ra nhiều, FPT (+2,7%), VPB (+2,2%) lại tăng giá tốt nhất trong rổ VN30. So với phiên "đạp" ATC, FPT còn đóng cửa ở mức giá cao hơn và quay về gần sát kỷ lục thời đại, còn VPB cũng gỡ lại đáng kể sự thất thoát. Điều này cho thấy dòng tiền nội đã rất nỗ lực hấp thụ nguồn cung của khối ngoại.
Một số cổ phiếu khác trong VN30 như MWG (+1,8%), PLX (+1,2%), STB (+1,1%) cũng tham gia vào nỗ lực cân điểm. Nhờ đó, chỉ số VN30 sau khi bị nhúng đỏ vẫn quay đầu tăng 0,33%.
Tương tự, VN-Index sau khi bị nhúng về 1.270 điểm cũng kịp đảo chiều cuối phiên để tăng 0,29 điểm lên 1.279,79 điểm (+0,02%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 25.970 tỷ đồng, tương đương 1.004 triệu đơn vị.
Sự đồng thuận chưa xuất hiện trên thị trường chung nhưng các cổ phiếu tạo điểm nhấn không vì thế mà biến mất. Các mã VTP, HVN, HHS, BFC, CMX đã tăng trần trong khi TCH (+3,39%), CMG (+2,19%), CTD (+3,81%), DCM (+2,21%), TCM (+2,16%) đều tăng trên 2%.
Sắc xanh phủ 36,73% số mã trên HOSE trong khi có gần 50% mã giảm giá. Thực tế, ngoại trừ HAG (-5,88%), các mã giảm đều không chịu áp lực lớn như GEX (-0,21%), DIG (-0,56%), VIX (-0,82%), PDR (-1,41%), GMD (-0,12%), VHC (-1,17%), KBC (-1,64%)…
Thế giằng co lưỡng lự của HOSE tiếp tục tạo động lực cho dòng tiền tìm kiếm cơ hội trên HNX và UPCoM trong đó OIL (+7,1%), MCH (+1,8%), DDV (+3,1%), DHT (+8,3%), DTD (+2,9%) đã tăng giá nổi bật. 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa trái chiều, lần lượt -0,35% và +0,06%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng.