Một nước cờ của Trung Quốc vô tình khiến Tổng thống Biden đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến
Tổng thống Biden. Ảnh: AP |
Cuối năm 2020, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu (EU). Bắc Kinh khi đó dường như cảm thấy hài lòng khi kéo được EU về phía mình trước khi Tổng thống Biden bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, đến nay có thể thấy mọi việc không đơn giản như vậy.
Sở dĩ Trung Quốc gấp rút muốn thỏa thuận với EU nhanh chóng được hoàn tất bởi không giống như cựu Tổng thống Donald Trump với các chính sách "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Biden khẳng định ông muốn tái thiết lập các mối quan hệ và các liên minh, cũng như tập hợp một mặt trận phương Tây đoàn kết và mạnh mẽ nhằm chống lại Trung Quốc.
Và khi EU phớt lờ những can ngăn của các cố vấn của chính quyền ông Biden về việc chờ tới khi chính quyền mới có cơ hội đánh giá về những mối lo ngại chung của Mỹ và EU về các chính sách kinh tế của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đã đánh giá thành công trong việc chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, điều kiện để thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc có hiệu lực chính là sự thông qua cuối cùng của Nghị viện châu Âu.
Ở diễn biến khác, ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã cử các đặc phái viên tới các nước là những đồng minh truyền thống của Mỹ, tìm cách tái thiết lập các liên minh truyền thống và xây dựng một mặt trận chung nhằm đối phó với Trung Quốc trên một loạt vấn đề từ các chính sách kinh tế, Sáng kiến Vành đai và Con đường cho tới các vấn đề như Tân Cương và Hong Kong.
Và vào tháng 3/2021, những nỗ lực này đã thu được thành quả khi EU cùng với Mỹ, Anh và Canada áp lệnh trừng phạt lên các cá nhân và thực thể Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Trung Quốc sau đó đã đáp trả bằng cách trừng phạt các nghị sĩ EU, một số cá nhân và tổ chức nghiên cứu châu Âu.
Theo nhà quan sát Stephen Bartholomeusz nhận định trên Sydney Morning Herald, đây là một tính toán sai lầm của Trung Quốc. Việc nhắm vào các cá nhân của Nghị viện châu Âu, cơ quan thông qua thỏa thuận đầu tư, có thể khiến các nghị sĩ khác giận dữ và đẩy châu Âu gần hơn với Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Kết quả, sau 7 năm đàm phán và sự nhượng bộ vào phút chót, EU khẳng định rằng liên minh này sẽ không thông qua thỏa thuận nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức châu Âu vẫn chưa được dỡ bỏ. Thậm chí, nếu Trung Quốc dỡ bỏ trừng phạt, động thái này có lẽ cũng đã quá muộn màng để cứu vãn được thỏa thuận.