Mong manh những kỳ vọng tại thượng đỉnh G20
Cộng đồng quốc tế kỳ vọng G20 thể hiện trách nhiệm đầu tàu, vượt qua khác biệt để tăng cường kết nối và hợp tác (Ảnh: Reuters). |
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/11 tại hòn đảo du lịch Bali nổi tiếng của Indonesia với sự tham dự của 17 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Nước chủ nhà Indonesia xác định 3 chương trình nghị ưu tiên của hội nghị thượng đỉnh năm nay, gồm an ninh lương thực và năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số.
Những nội dung ưu tiên đặt ra trước mặt các nhà lãnh đạo của 20 quốc gia phát triển và công nghiệp hóa quan trọng nhất trên thế giới cũng chính là những vấn đề nóng bỏng đang bao trùm khắp toàn cầu, đỏi hỏi phải sớm tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, đặc biệt là sớm giải quyết cuộc khủng hoảng “kép” an ninh năng lượng và an ninh lương thực cũng như làm thế nào để có thể ngăn ngừa hiệu quả hơn một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu kiểu như đại dịch Covid-19.
Lãnh đạo G20 tề tựu về “thiên đường nghỉ dưỡng” Bali năm nay có lẽ chẳng có chút thời gian nào để thả mình thư giãn trong làn nước biển trong xanh bởi sức nóng hầm hập của nguy cơ suy thoái của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ cũng như các quốc gia ở châu Âu. Căn nguyên dẫn tới nguy cơ nghiêm trọng này thì ai cũng thấy rõ, đó là 2 cuộc khủng hoảng song hành hành nhau là năng lượng và lương thực.
Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng phát không chỉ trở thành một “điểm nóng” nguy hiểm ngay trong lòng châu Âu mà còn đồng thời kích hoạt đồng thời 2 cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng. Bởi Nga và Ukraine đều là hai quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Cùng với đó, giá dầu thế giới cũng liên tục “nhảy múa” sau khi xảy ra cuộc xung đột quân sự tại Ukraine do Nga là nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt tự nhiên quan trọng trên toàn cầu. Trước khi chiến sự bùng nổ, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung của toàn cầu. Điều đáng nói là hơn 50% xuất khẩu dầu của Nga là sang các nước châu Âu. Các nước châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhiên liệu của Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu.
Gián đoạn và khan hiếm nguồn cung năng lượng và lượng thức là tác nhân chính đẩy lạm phát toàn cầu lên cao. Trong bối cảnh chưa phục hồi hoàn toàn sau cơn “đại hồng thủy” dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng “kép” năng lượng và lương thực đẩy nền kinh tế nhiều quốc gia lún vào suy thoái, bao gồm cả những các quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới là Mỹ và ở châu Âu.
Gần 9 tháng qua kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2-2022, biết bao cuộc bàn thảo quy mô khu vực và toàn cầu nhằm tìm kiếm giải pháp xử lý khủng hoảng năng lượng và lương thực để “giải cứu” nền kinh tế khỏi suy thoái nhưng vẫn chưa hiệu quả. Giờ đây, sự trông đợi lại đổ dồn vào Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi quy tụ quốc gia phát triển và công nghiệp hóa quan trọng nhất, chiếm 85% sản lượng GDP toàn cầu, 75% thương mại thế giới, và 2/3 dân số thế giới.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, lãnh đạo y tế và tài chính các nước thành viên đã công bố một quỹ trị giá 1,4 tỷ USD phòng trường hợp thế giới phải ứng phó với một đại dịch tương tự đại dịch Covid-19 trong tương lai. Đây là thành quả đầu tiên của một trong 3 chương trình nghị sự ưu tiên tại thượng đỉnh G20 năm nay.
Có câu “đầu xuôi, đuôi lọt” nên việc đạt được thỏa thuận về việc lập quỹ phòng chống đại dịch Covid-19 trong tương lai khiến người ta nhớ lại tại Hội nghị thượng đỉnh các năm năm 2008 và 2009, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí một loạt các biện pháp để giải cứu hệ thống tài chính toàn cầu trong cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Song xem ra, hội nghị thượng đỉnh năm nay không dễ để đạt được giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực.
Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali có 3 nhà lãnh đạo vắng mặt, trong đó sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin gây nhiều ý kiến khác nhau. Thông tin chính thức từ Moscow cho biết ông Putin vắng mặt bởi “không thu xếp được công việc trong nước”, tuy nhiên giới quan sát cho rằng có những lý do khác khiến ông vắng mặt tại một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất thế giới.
Dù Tổng thống chủ nhà Indonesia Joko Widodo có nói rằng “G20 không phải là một diễn đàn chính trị. Đây là diễn đàn về kinh tế và phát triển”, song trong các vấn đề toàn cầu hiện nay khó có có điều gì không liên quan tới chính trị. Chưa kể cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực hiện nay có căn nguyên từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đại diện cho Tổng thống Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh cho biết, Moscow sẵn sàng tiếp tục là nhà cung cấp thực phẩm và năng lượng đáng tin cậy cho các thị trường nước ngoài trên cơ sở thương mại và nhân đạo. Và Nga có kế hoạch công bố một số sáng kiến cụ thể về vấn đề này, bao gồm xây dựng hợp tác khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cung cấp các lô hàng lớn ngũ cốc và phân bón.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov không phải là nguyên thủ, không có quyền quyết định về chính sách. Dù sao tuyên bố tích cực của Nga cũng cho thấy không phải không có kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh năm nay, nhưng xem ra khá mong manh.
Mong manh làng đúc đồng Ngũ Xã 500 năm làng nghề đúc đồng Ngũ Xã giờ dồn lại trong một phòng trưng bày. |
Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam tại Mông Cổ Tại Thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ), tối ngày 1/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022). |