Mong manh làng đúc đồng Ngũ Xã
Làng đúc đồng Ngũ Xã có từ thời nhà Lê (1428-1527) đến nay đã gần 500 năm tuổi. Làng do dân từ 5 làng: Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Điện Tiền và Đào Viên tạo dựng trên đất Thăng Long nên lấy tên là Ngũ Xã. Về sau làng được tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, nay là phố Ngũ Xã, thuộc quận Ba Đình - Hà Nội.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (Ảnh: Nhã Liên). |
Ngôi làng xưa nổi tiếng với nghề đúc tiền và những đồ mang hơi thở tâm linh này nằm ở ven hồ Trúc Bạch. Thế chỗ cho những xưởng đúc đồng xưa giờ đây chính là nhà cửa san sát, các hàng quán, những cửa tiệm hiện đại,... Nơi đây hiện chỉ còn mỗi gia đình nhà ông Nguyễn Văn Ứng là còn nối tiếp nghề. “Gần năm trăm năm truyền thống mà giờ mai một cả rồi” ông Ứng chia sẻ. Theo lời kể của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, ngày trước chiến loạn khó khăn bất cứ từ vũ khí hay vật dụng gì đều nhờ đến tay làng Ngũ Xã. Thời bình lập lại việc đúc đồng không còn được ưa chuộng, nhiều gia đình đã thay đổi sang làm nhôm.
Ông cũng chia sẻ ngày đó chính bản thân ông đã có lúc “lấy nghề nhôm nuôi nghề đồng”. Tình cảnh như vậy nhưng ông chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ nghề truyền thống của gia đình. Ông Ứng tự hào nói: “May mắn cả hai người con và một người con nuôi ông nhận vẫn đều theo nghiệp cha. Tuy nhiên việc phong danh cũng đi kèm với trách nhiệm. Đã có không ít nước sau khi nghiên cứu về truyền thống đúc đồng hoặc nghe danh làng ở Việt Nam, không tiếc tiền của muốn tôi sang đó. Nhưng tôi vẫn ở lại đây muốn nối nghiệp gia đình.”
Người thợ đang làm việc tại xưởng đúc đồng làng Ngũ Xã (Ảnh: Nhã Liên). |
“Nói thế chứ tôi cũng gần đất xa trời cả, không biết có thể giữ được nghề đến lúc nào. Làm đồng cần trau chuốt từng công đoạn nên mất thời gian nhiều, xưởng giờ cũng đến 30 thợ nhưng nhận làm cũng chỉ tùy đơn. Đúng kiểu khách mà nghe danh hoặc nhìn ảnh mà ưng mới đặt hàng nên về mặt phát triển thêm khách cũng rất khó khăn. Đợt dịch này cũng ảnh hưởng không ít. Có một vài thợ xin nghỉ rồi về đến tỉnh lại không lên lại được vì nơi đó có dịch không về được. Hoặc việc vận chuyển hàng hóa cũng khó khăn hơn,... ”. Khó khăn trong việc giữ nghề là vậy nhưng niềm hy vọng nơi người nghệ nhân vẫn không hề lung lay.
Trăn trở còn hiện hữu
UBND Thành phố Hà Nội đã cấp cho gia đình ông 82,4m2 đất để xây dựng phòng trưng bày các sản phẩm làng nghề (Ảnh: Nhã Liên). |
Gắn bó với nghề đúc đồng hơn 30 năm, nhưng ông vẫn luôn trăn trở, bởi cái nghề đúc đồng này vẫn chưa ổn định. Ông Ứng hi vọng là có thể tiếp tục duy trì nghề đúc đồng truyền thống bằng cách mở một trường dạy nghề ngay tại làng Ngũ Xã này. Dù biết khó khăn nhưng “Nghệ thuật cần được trân trọng và bảo tồn”. Lá đơn ông viết gửi lên xin mở trường dạy nghề, vẫn chưa nhận được phản hồi. Bên kia hồ, tiếng chuông chùa Thần Quang vang lên trong gió, không biết còn mấy người nhớ đền làng nghề truyền thống xưa. Vào năm 2000, UBND Thành phố Hà Nội đã cấp cho gia đình ông 82,4m2 đất để xây dựng phòng trưng bày các sản phẩm làng nghề. Nơi đây trưng bày những sản phẩm làng nghề để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước.
Không gian trưng bày tại xưởng đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (Ảnh: Nhã Liên). |
Khi sóng thần mang tên Covid -19 ập đến, kéo theo những khó khăn thách thức cho nền kinh tế toàn cầu, làng Ngũ Xã cũng không ngoại lệ và chịu những tổn thất nặng nề. Bốn lần “Bão” Covid - 19 “càn quét” khiến làng chịu thiệt hại nặng nề. Năm 2020, số lượng khách du lịch đến chỉ bằng 30% so với năm 2019. Từ cuối tháng 1/2021, đại dịch Covid - 19 tiếp tục bùng phát 2 đợt khiến hoạt động du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, Hà Nội đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các làng nghề như: Chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, hỗ trợ kinh phí công nhận danh hiệu làng nghề. Trong năm 2020, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cho 29 dự án tại các làng nghề Hà Nội với số vốn trên 9,7 tỷ đồng.
Cùng với đó, Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Điều này sẽ giúp các làng nghề của TP. Hà Nội gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề. Có thể thấy, Chính phủ đã và đang có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nói chung và tại các làng nghề trên cả nước nói riêng. Đây cũng chính là động lực giúp doanh nghiệp làng nghề vượt khó sau dịch bệnh Covid - 19.