Merle Ratner trong lòng người Việt
Ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam:
Một Việt Nam thu nhỏ ở East Village (New York)
Ông Vũ Xuân Hồng tiếp bà Merle Ratner tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vào ngày 21/1/2008. (Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) |
Trong căn hộ nhỏ ấm cúng ở East Village (New York) của vợ chồng chị Merle Ratner, mọi món đồ trang trí, trưng bày đều liên quan đến Việt Nam. Đó là hình ảnh Chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội, cầu Long Biên, làng quê thanh bình hay người phụ nữ địu con lên rẫy... Tất cả những gì bạn bè Việt Nam tặng, chị đều trân trọng giữ lại. Đối với Merle, chúng không chỉ để trang trí mà còn chứa đựng tình cảm, kỷ niệm. Chị thường say sưa giới thiệu "gia tài" Việt Nam của mình với mọi người. Nhiều người bạn Việt Nam coi căn hộ của vợ chồng chị như một bảo tàng nhỏ về Việt Nam giữa lòng New York.
Mấy chục năm qua, căn hộ này luôn là “địa chỉ đỏ”, nơi những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại New York nói riêng và nước Mỹ nói chung có thể gặp gỡ, trao đổi.
Tôi từng được chị Merle Ratner cùng chồng là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn mời đến nhà riêng 5 lần. Lần nào tôi đến chị cũng tự tay xuống bếp "chiêu đãi" món phở và cháo gà. Với chị, việc nấu món Việt chính là niềm vui và cũng là cách để chị thể hiện tình cảm yêu mến với những người bạn Việt Nam.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ:
Merle Ratner là cầu nối quan hệ Việt - Mỹ
Đại sứ Phạm Quang Vinh (bìa phải) ghi sổ tang tiễn biệt bà Merle Ratner. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Trong các cuộc trao đổi với tôi và đồng nghiệp, Merle đều nói: “Tôi yêu Việt Nam bởi chính dân tộc Việt Nam và cũng bởi chính con đường lựa chọn của Việt Nam”.
Merle là người đấu tranh cho công bằng xã hội. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam lựa chọn đem lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho dân tộc cũng như cho khu vực và thế giới. Điều đó trùng hợp với niềm tin và lý tưởng của Merle. Chính vì vậy, chị từng theo học trường Nguyễn Ái Quốc để hiểu thêm về con đường và lý tưởng của Việt Nam, từ đó có niềm tin vào con đường chủ nghĩa xã hội.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Merle tiếp tục tích cực tham gia các phong trào đấu tranh nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, bình thường hóa quan hệ hai nước, bỏ cấm vận đối với Việt Nam…
Những năm 80 của thế kỷ trước, khi Việt Nam và Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ, việc đi lại của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (New York) khó khăn, chúng tôi được bạn bè cánh tả, trong đó có Merle tích cực giúp đỡ.
Nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ hiện nay, chúng ta luôn ghi nhớ những người bạn trong quá khứ, trong hiện tại và cả tương lai, trong đó có Merle Ratner.
Ông Bùi Thế Giang, Phó Chủ tịch Hội Việt – Mỹ:
“Việt Nam là một phần cuộc sống của Merle Ratner”
Ông Bùi Thế Giang, Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ phát biểu tại lễ tưởng niệm bà Merle Ratner. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Tôi gặp chị Merle lần đầu tiên khoảng 40 năm trước, khi chị làm tình nguyện viên tại Hà Nội để giúp biên tập các tài liệu dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh trước khi Nhà xuất bản Ngoại ngữ, nay là Nhà xuất bản Thế giới phát hành.
Đến Việt Nam những ngày đó đồng nghĩa là Merle chấp nhận cuộc sống khó khăn như mọi người dân Việt Nam. Đây là thời điểm đất nước ta đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, xã hội và quan hệ đối ngoại. Trong bối cảnh đó, Merle Ratner vẫn lạc quan về một Việt Nam tốt đẹp hơn, như chị đã vững tin trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập và tự do.
Tôi thường được nghe chị Merle hát những bài hát Việt Nam nổi tiếng như "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" trong những lần gặp gỡ. Và ngạc nhiên thay, chị nhớ lời Việt của những bài hát đó. Lời giải thích của chị rất đơn giản: Việt Nam, với lịch sử, văn hóa, bài hát, thơ ca, ẩm thực và con người, đã trở thành một phần cuộc sống của chị.
Điều này cho thấy sự gắn kết của Merle với Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Chị luôn đặt người dân làm trung tâm, trước hết là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và nạn nhân chất độc da cam...
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền, nguyên Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao):
Đồng hành cùng nạn nhân da cam Việt Nam
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền (thứ nhất, từ phải sang) và Đại sứ Nguyễn Phương Nga xem lại những bức ảnh đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chụp cùng bà Merle Ratner năm 2008 tại Mỹ. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Từ ngày 29/9 - 1/11/2008 tôi tham gia đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Mỹ để kiện 37 công ty sản xuất hóa chất của Mỹ, những đơn vị đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, lên Tòa án Tối cao Mỹ. Merle Ratner và anh Ngô Thanh Nhàn thuộc tổ chức “Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam – VAORRC" là người bảo trợ và tổ chức chuyến đi cho đoàn.
Đoàn đã đến 10 thành phố thuộc 8 bang của nước Mỹ, tiến hành trên 80 cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình, gặp gỡ tiếp xúc các cựu chiến binh, các nghị sĩ, chuyên gia y tế cộng đồng, giới trí thức, sinh viên, luật gia, các nhà hoạt động hòa bình... để trình bày về những hậy quả nghiêm trọng, lâu dài nhiều thế hệ mà các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và con cháu họ phải gánh chịu.
Hoạt động của đoàn đã góp phần giúp các tầng lớp người Mỹ nói chung hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh hóa học quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam, hậu quả nghiêm trọng, lâu dài mà các nạn nhân da cam Việt Nam gánh chịu, qua đó đồng tình, ủng hộ vụ kiện. Phản ứng của những người Mỹ mà đoàn tiếp xúc rất tích cực, đặc biệt là các cựu binh, nghị sĩ.
Thành công đó có đóng góp lớn của vợ chồng Merle như: đồng hành cùng đoàn, hỗ trợ tài chính, phương tiện đi lại, tổ chức các cuộc tiếp xúc, chuẩn bị thông tin, tài liệu…
Dù đơn kiện sau đó bị Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ nhưng đây là một cuộc đấu tranh lâu dài vì công lý. Đóng góp lớn của Merle là một trong những người tích cực chuẩn bị 6 dự luật cứu trợ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam từ năm 2011 đến nay để cùng vận động Quốc hội Mỹ thông qua.