Mạng lưới GCoM Châu Á tiếp tục hỗ trợ Cần Thơ nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu
Tham dự hội thảo có gần 70 đại biểu là đại diện lãnh đạo, các cán bộ chuyên môn đến từ 17 đô thị thành viên Hiệp hội các đô thị Việt Nam, các chuyên gia từ đại diện GCoM Châu Á, Cục Biến đổi khí hậu, Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Liên minh các thành phố và chính quyền địa phương khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo. |
GCoM (viết tắt của Gloval Covenant of Mayors for Climate and Energy) là Mạng lưới các Thị trưởng toàn cầu trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng. Đây là liên minh toàn cầu lớn nhất của các đô thị, chính quyền địa phương tự nguyện cam kết chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, có tính phục hồi cao, phù hợp với mục tiêu của Công ước Paris.
Để hỗ trợ thực hiện các hoạt động của Mạng lưới GCoM tại châu Á, Liên minh châu Âu đã tài trợ thực hiện Dự án hợp tác đô thị quốc tế IUC châu Á (GCoM giai đoạn I) từ năm 2018 - 2020, thí điểm tại 3 đô thị Việt Nam gồm: TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng và Tam Kỳ (Quảng Nam) và tiếp tục hỗ trợ tài chính để thực hiện Dự án GCoM giai đoạn II (2021 - 2023). Mục tiêu dự án nhằm hỗ trợ các đô thị tham gia thí điểm xây dựng kế hoạch hành động biến đổi khí hậu, đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu, kết nối với các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện kế hoạch hành động.
Tại Hội thảo, các đại biểu được tìm hiểu về khung pháp lý và lộ trình để đạt được đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050; những thách thức và cơ hội của chính quyền địa phương ở Việt Nam liên quan đến khí hậu; hướng dẫn lập kế hoạch đô thị để thích ứng với biến đổi khí hậu; thảo luận thực trạng trong các lĩnh vực: công nghiệp, giao thông, quản lý chất thải và nước, nhà ở và thương mại, năng lượng tái tạo; tìm hiểu nguyên tắc chính để phát triển kế hoạch hành động năng lượng và khí hậu; xác định biện pháp giảm thiểu và thích ứng trong khu vực; giảm phát thải khí nhà kính; tham quan một số Dự án của TP Cần Thơ như: Tiểu dự án đê bao vườn cây ăn trái huyện Phong Điền, Dự án thành phần thuộc Dự án WB6 cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án kè bờ sông Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu...
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Theo bà Asih Budiati - Trưởng nhóm, đại diện nhóm Dự án GcoM Châu Á - hội thảo là một trong những hoạt động chính của Dự án GCoM giai đoạn II nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đô thị thành viên Việt Nam, giới thiệu về Kế hoạch hành động trong lĩnh vực năng lượng và khí hậu cấp địa phương, tập huấn bộ công cụ về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, giới thiệu kinh nghiệm đô thị châu Âu, thúc đẩy vai trò của Dự án GcoM Châu Á và vai trò tiên phong của Liên minh Châu Âu trong hỗ trợ các đô thị hướng tới hành động cụ thể giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới đô thị về khí hậu và hợp tác phát triển ở Việt Nam, thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Bà Asih Budiati kỳ vọng hội thảo sẽ giúp các các đại biểu đến từ các đô thị thành viên có cơ hội tìm hiểu cụ thể hơn về các chính sách liên quan đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ - cho biết, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, TP Cần Thơ đã quan tâm ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như các giải pháp cụ thể nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn I của dự án GCoM, TP Cần Thơ đã được hỗ trợ hoàn thành kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu theo khung GcoM; nhiều cán bộ chuyên môn của các Sở, ban ngành thành phố được tham gia tập huấn, nâng cao kỹ năng về xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu. Theo ông Dương Tấn Hiển, các hoạt động của giai đoạn II dự án sẽ giúp thành phố có nhiều cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các đô thị trong và ngoài nước nhằm tiếp tục nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng hy vọng, thông qua Hội thảo các đại biểu tham dự tiếp nhận những thông tin hữu ích về các kiến thức được cung cấp từ Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Nhóm dự án GCoM Châu Á và các đối tác, các bên liên quan; cũng như có những trải nghiệm từ chuyến tham quan thực tế về Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ; từ đó, khắc họa góc nhìn thực tế trong quá trình hỗ trợ các đô thị phát triển, xây dựng kế hoạch về năng lượng và biến đổi khí hậu.
Hội thảo diễn ra đến ngày 8/7.
Doanh nghiệp Indonesia có nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác vào Cần Thơ Ngày 1/7, ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác đã đến thăm, chào xã giao lãnh đạo UBND TP Cần Thơ. Tiếp đoàn có ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ. |
Cần Thơ: Tình hữu nghị, đoàn kết với nhân dân Campuchia là yếu tố đối ngoại quan trọng “Chính quyền, nhân dân Cần Thơ luôn xác định tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết với nhân dân Campuchia là yếu tố đối ngoại quan trọng”, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. |
Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ tiếp tục phục hồi, khởi sắc Ngày 6/7, HĐND TP. Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 6 nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, quyết định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của TP; thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND TP. |