Mâm cơm tất niên truyền thống của người Hà Nội
Nói đến tết người ta không chỉ nói đến thăm hỏi hay chúc tụng, vấn đề ăn uống cũng rất quan trọng nhất là những bữa cỗ ngày tết của người Hà Nội (Ảnh minh họa). |
Cỗ ngày tết thường có bữa cỗ tất niên vào ngày 30 tết, mâm cơm cúng giao thừa vào lúc 12 giờ đêm và bữa cơm sáng mùng một tết, cuối cùng là bữa cỗ hoá vàng.
Bữa cỗ quan trọng nhất trong năm đó là bữa “cỗ tất niên”, có nghĩa là bữa cỗ cuối cùng của một năm khi mà tất cả mọi người trong gia đình, ông bà cha mẹ anh chị em con cháu trở về sum họp và đoàn viên.
Theo phong tục bữa cơm tất niên là bữa cơm quan trọng của một gia đình, con cháu từ khắp mọi ngả tề tụ về, ông bà và cha mẹ, vui nhất là khi những người con đã lớn có gia đình riêng khi chở về đem theo cả con cái về, lúc đó cha mẹ ông bà mới thực sự vui sướng và hạnh phúc khi nhìn thấy chúng để hỏi han cũng như được bế cháu.
Cỗ tất niên, thực ra nó cũng chỉ là một bữa cơm bình thường như những bữa giỗ Chạp khác trong năm của mỗi gia đình.
Nhưng bữa cỗ tất niên có một cái gì khác, đó là bữa cơm được tất cả mọi người con cháu dâu rể cùng chung tay chuẩn bị và cùng nhau nấu nướng mỗi người một món, đảm nhiệm một khâu từ thịt gà, thịt lợn, cuốn nem, rau nộm, măng bóng cho đến hạnh nhân, xôi, chè và còn nhiều thứ khác nữa ... rất vui và nhộn nhịp.
Theo thông lệ, ngày tết sẽ nấu một nồi măng trước. Các bước để có một nồi măng ngon cúng là: chuẩn bị ngâm măng, cái loại măng lưỡi lợn, trước đó cả tuần lễ đã ngâm nước gạo nhiều ngày rồi luộc đi luộc lại mấy nước đến khi nào cái măng nó trắng ra không còn mùi bồ hóng nữa thì mới thôi. Còn thịt mua từ hai hôm trước, lựa những cái chân giò sau, ngắn và tròn, thật ngon đúng như các cụ nói: ăn chân sau, cho nhau chân trước. Mua thêm những dẻ sườn nạc thịt ở ngoài chợ về để nấu, như thế cái nước măng nó mới trong và ngọt.
Từ tối hôm trước, nấu và ninh thật kỹ để làm sao đến đúng hôm trưa 30 tết có được bát canh măng thật ngon để thắp hương, cái giống măng khô là phải ngâm rửa thật kỹ và khi nấu cứ phải ninh vài ba lửa ăn nó mới thơm và đậm cái mùi măng lưỡi lợn.
Để chuẩn bị chu đáo cho bữa cỗ Tất niên đó, mỗi người trong nhà chủ động mỗi người một việc. Mọi người bắt tay vào chuẩn bị và nấu suốt từ sáng sớm, cuối cùng thì các món ăn cũng được nấu nướng xong xuôi và được múc ra rồi bày lên cái mâm đồng đã được cọ sáng bóng từ hôm trước để mang lên bàn thờ thắp hương.
Và thế là đã xong mâm cỗ tất niên, này nhé: đĩa thịt gà được bày rất khéo, những miếng thịt với da gà vàng óng đều ở phía trên trên điểm thêm một chút lá chanh tươi thái thật mỏng thơm nức, bên cạnh là bát nước mắm thơm mùi cà cuống và đĩa muối tiêu với chanh ớt...
Đĩa giò lụa trắng hơi phớt màu hồng của thịt, đĩa chả quế thái miếng xếp hình lục lăng rất đẹp và đĩa nem rán ròn vàng ruộm, nóng hổi và thơm lừng...
Thêm đĩa nộm đu đủ với cà rốt thái sợi được vắt khô, trộn rất khéo và vừa vặn, rắc thêm một chút lạc giã rối lên trên, điểm thêm mấy cọng rau thơm láng.
Một món không thể thiếu trong mâm cỗ là món hạnh nhân. Xu hào, cà rốt thái hạt lựu xào cới thịt nạc thăn và mề gà, cuối cùng là một chút lạc rang bóc vỏ để nguyên hạt vừa thơm vừa bùi.
Phải kể đến bát măng lưỡi lợn với những miếng thịt chân giò nhừ tơi được bày rất cẩn thận bên cạnh cái mộc nhĩ đen nhánh cùng với mấy sợi miến dong màu nâu và vài củ hành trần.
Bát bóng phảl lưu ý, bóng chọn kỹ ngâm sạch sau đó phải bóp với gừng và rượu trắng, bát chân tẩy gọt hoa văn xào qua với nước dùng gà. Múc ra bát trên bày một hai miếng bóng thái hình quả trám và miếng thịt thăn nõn thái mỏng trắng ngần, miếng hoa lơ và nấm hương màu nâu cạnh con tôm he với hai ba quả đậu Hà lan, điểm thêm mấy cọng rau thơm... chan nước dùng vào.
Lại thêm đĩa thịt đông mát lạnh và trong vắt, nhìn rõ cả từng miếng thịt bên trong được bày bên cạnh đĩa hành muối trắng phau cùng bát dưa góp đã ngấm để ăn cho đỡ ngấy.
Hai món không thể thiếu được trong bữa cơm tất niên là món xôi gấc được trộn với mỡ gà và chút đường kính từ lúc mới chin bày lên một hai hạt gấc cùng với đĩa bánh chưng luôn chín tới xanh rờn.
Món tráng miệng lại là món chè con ong nâu sẫm thơm mùi gừng được rắc thêm chút hạt vừng và đĩa chè kho vàng ruộm màu đỗ xanh.
Bữa cỗ tất niên có một ý nghĩa rất lớn cả về tâm linh cũng như phong tục truyền thống gia đình. Hoà quyện tình cảm gia đình, cùng nhau ôn lại kỷ niệm chia sẻ cho nhau vui buồn trong cuộc sống. Mong muốn một năm mới mọi người mọi nhà an yên, hạnh phúc.