Lưu ý khi chọn mua trang phục chống nắng
Trên thị trường, trang phục chống tia tử ngoại (UV) có áo khoác, váy, quần, găng tay, mũ, khẩu trang nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Sản phẩm được quảng cáo có tác dụng chống tia UV trên 94%, thấm hút mồ hôi nhanh, thông thoáng, không làm rát da…
Giá cả tùy thuộc chất lượng, thương hiệu và độ ngăn tia UV của sản phẩm. Á
o khoác chống nắng cho nam, nữ và trẻ em có giá từ 440.000 đến 2,1 triệu đồng. Phụ kiện như khẩu trang, găng tay chống nắng giá 330.000-570.000 đồng. Váy, quần chống nắng hay mũ nón, kính giá từ 600.000 đến hơn một triệu đồng.
Những sản phẩm này chống được tia UV vì sợi vải có thành phần polyester pha thêm sợi gốm ceramic fiber, nhân viên tại một cửa hàng cho biết.
Các trang phục chống tia UV khá đa dạng bao gồm áo khoác, váy, mũ, bao tay, khẩu trang. Ảnh: Cẩm Anh |
Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Chăm sóc da Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho rằng trang phục chống nắng là giải pháp hữu ích để phòng chống tia UV có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên cần lưu ý, trang phục chống nắng cơ học đều phải được kiểm định hiệu quả về mặt lâm sàng.
Một trang phục chống nắng hiệu quả được xét theo 3 yếu tố:
- Che phủ: Mức độ che phủ phụ thuộc vào khoảng cách giữa những sợi vải. Có thể kiểm tra bằng cách đưa tấm vải ra ánh mặt trời. Nếu ánh nắng xuyên qua nhiều là khoảng cách sợi vải thưa, mức độ chống nắng sẽ giảm đáng kể.
- Độ chặt của sợi vải: Một sợi vải có rất nhiều vi sợi lèn chặt vào nhau. Nếu vi sợi lỏng lẻo, ánh sáng và tia UV xuyên qua nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chống nắng.
- Độ dày: Nếu vải có độ chặt và che phủ tốt nhưng quá mỏng thì bước sóng tia UV chiếu qua vải sẽ không bị cản lại và gây hại trực tiếp lên da.
Ngoài ra, ở những cơ sở chuyên sản xuất trang phục chống nắng chuyên nghiệp, vi sợi được pha trộn nhiều hợp chất có tác dụng chống nắng.
Sợi vải được thêm hoạt chất làm dịu da để khi tiếp xúc da không bị kích ứng. Sản phẩm có thể bán kèm xà bông để hoạt chất chống nắng len vào vi sợi.
Những loại vải có màu tối như đen, xanh đậm... thì mức độ chống nắng càng tốt. Chúng biến đổi quang lượng tia UV thành nhiệt lượng. "Mọi người hay nhầm tưởng nóng là do da bị ăn nắng nhưng thật ra vải đang hấp thu nhiệt.
Không cần thiết phải mua những trang phục được quảng cáo chống tia UV mà có thể tự chọn loại vải có độ che phủ cao, sợi vải chặt, dày và màu sẫm", bác sĩ Thanh nói.
Sản phẩm có độ chống nắng 94% tức là khi chiếu dưới tia UV sẽ đạt độ SPF 15. Tuy nhiên,
những yếu tố như mỹ phẩm, mồ hôi ẩm ướt sẽ khiến bản chất sợi vải thay đổi và không đạt được hiệu quả chống nắng như quảng cáo.
Vì thế, bác sĩ Thanh khuyến cáo không nên ỷ lại vào trang phục chống nóng mà cần kết hợp tránh nắng giờ cao điểm, bôi kem chống nắng đúng cách, dùng viên uống chống nắng nếu trong môi trường phương pháp chống nắng cơ học không khả thi.