Lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách an sinh xã hội
Trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trong đó phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn như nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội, nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, nhóm chính sách cho vay vốn...
Đặc biệt, người lao động mang thai, đang nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19; trẻ em là F0, F1; trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 và trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 nhận được hỗ trợ bổ sung ở mức cao hơn với các thủ tục nhanh chóng, đơn giản.
Ngoài ra, chính sách ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 cũng được mở rộng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng được tăng cường.
Các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19 đều ưu tiên các đối tượng lao động nữ (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam). |
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), cần tiếp tục có những giải pháp tổng thể lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình an sinh xã hội.
Trao đổi trên báo chí, bà Nga dẫn vấn đề bảo hiểm xã hội làm ví dụ. "Chúng ta đã rất quan tâm đến việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của nữ giới so với nam giới do những đặc thù về giới; quan tâm đến chế độ nghỉ thai sản, ốm đau cho phụ nữ, chế độ cho phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Tuy nhiên, chế độ thai sản chưa bao phủ được cơ bản đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ do có một lực lượng lớn lao động nữ nằm ở khu vực nông thôn, khu vực lao động phi chính thức nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhân văn này. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em, ảnh hưởng tới nguồn nhân lực bền vững của đất nước", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.
"Những chính sách phúc lợi dành riêng cho phụ nữ chưa nhiều và chúng ta cũng đang còn thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu cho phụ nữ, trẻ em gái", vị đại biểu nhấn mạnh.
Bà cho rằng, nền tảng chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, là việc thay đổi nhận thức xã hội. Chừng nào còn chưa có những nhận thức đúng đắn, khoa học và tiến bộ về bình đẳng giới, chừng đó chúng ta còn chật vật trong quá trình thực hiện.
"Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á vẫn còn chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của hệ tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ, nên để thay đổi nhận thức của con người (mà những nhận thức đó đã ăn sâu vào tiềm thức, tính cách, thậm chí in dấu trong phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá...) không phải thay đổi được trong ngày một ngày hai.
Mặt khác, Việt Nam là đất nước có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán riêng nên để hướng tới mục tiêu chung là bình đẳng giới cũng cần rất nhiều nỗ lực. Nhiều khi chúng ta hô hào thực hiện bình đẳng giới nhưng chỉ là phong trào mà thôi.
Những việc nhỏ nhất trong gia đình, mặc nhiên người phục vụ tất cả các thành viên là người mẹ, người vợ, mặc định việc nhà là của phụ nữ... đã khiến cho bình đẳng giới dù được nhắc tới nhiều nhưng hoàn toàn không thực chất.
Ngay chính những người phụ nữ nhiều khi cũng an phận, bằng lòng với việc bất bình đẳng giới, điều này tạo nên "sức ỳ" khiến cho việc thu hẹp khoảng cách giới còn nhiều rào cản", vị đại biểu Quốc hội cho biết.
Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý, bình đẳng giới không có nghĩa là biến tất cả phụ nữ thành đàn ông. Phụ nữ có những đặc điểm tâm sinh lý và những thiên chức đặc trưng, nên không thể đòi hỏi "như nam giới" tất cả mọi phương diện.
"Phụ nữ hiện đại thời 4.0 cần có quan niệm hiện đại, trước tiên về bình đẳng giới. Phải là người phụ nữ độc lập, tự chủ và tự tin; là người luôn có ý chí vươn lên nhưng cũng không bỏ quên thiên chức cao cả của mình", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam. Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn về bình đẳng giới. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở mức 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nước có HDI ở mức cao. Với chỉ số phát triển giới ở mức 0,997, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong số 5 nhóm trên thế giới về chỉ số giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu. Trong số 499 đại biểu Quốc hội khoá XV có 151 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%. Trong nhiều ngành, lĩnh vực có sự tham gia của cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Việt Nam đã xây dựng, ban hành những văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới và công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ các hình thức phân biệt chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trong việc thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế nhằm vượt qua những thách thức liên quan đến nhận thức về bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới và bạo lực gia đình… |