Biến đổi khí hậu khiến phụ nữ và trẻ em gái tăng rủi ro về sức khỏe sinh sản
Bà Gabriela Ramos kêu gọi thế giới cần có thêm hành động thiết thực nhằm bảo đảm sự tham gia bình đẳng, đầy đủ của phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình ra quyết định ở lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp tới vấn đề bình đẳng giới và là một trong 17 mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho người dân trên toàn thế giới.
Theo Liên hợp quốc, vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến phụ nữ, thanh thiếu niên và những người dân bản địa. Thống kê của cơ quan này cho biết hiện nay có tới 45% dân số của các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) là phụ nữ.
Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách Khoa học Xã hội và Nhân văn của UNESCO, bà Gabriela Ramos. |
Tuy nhiên, việc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cấp cao hoặc xuất hiện trước công chúng đều do nam giới đảm nhận. Điều này đã khiến vấn đề biến đổi khí hậu dường như bị xem nhẹ do ở một số quốc gia chỉ có 56% nam giới coi đây là vấn đề nghiêm trọng so với tỉ lệ 83% phụ nữ.
Thực tế đã chứng minh khi xảy ra các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như nắng nóng, hạn hán thì trẻ em gái và phụ nữ là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất do phải đối diện với những bất ổn về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ở một số nước châu Phi, phụ nữ phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm lương thực, nước và củi trong bối cảnh các nhu yếu phẩm này đang dần trở nên khan hiếm do biến đổi khí hậu.
Mặt khác, khi tìm cách rời khỏi nơi cư trú của mình, họ có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, nạn tảo hôn, buôn bán người và bạo lực trên cơ sở giới cao hơn.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ gặp rủi ro về sức khỏe sinh sản cao hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các virus nguy hiểm như Zika - gây sảy thai, dị dạng, sinh non và thiếu máu ở phụ nữ mang thai phát triển.
Báo cáo tháng 2/2022 của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) còn nhấn mạnh nguy cơ mất an ninh lương thực và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của phụ nữ và trẻ em gái trong các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt luôn cao hơn nam giới và trẻ em trai.
Có một sự thật đau lòng là những phụ nữ dám đứng ra bảo vệ môi trường lại thường phải chịu đựng bạo lực trên cơ sở giới bao gồm các hành động lạm dụng bằng lời nói, quấy rối, đe dọa, thậm chí lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp.
Đó là chưa kể đến tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong các cơ quan đàm phán về khí hậu quốc gia và toàn cầu vẫn chỉ ở mức dưới 30%.
“Sự lãnh đạo và tham gia của phụ nữ vào các hành động chống biến đổi là rất cần thiết nếu chúng ta muốn có sự hài hòa giữa giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ quyền lợi cho nữ giới”- bà Gabriela Ramos cho hay.
Bên cạnh đó, thế giới cần tập trung nguồn lực giúp đỡ phụ nữ trong công tác chống biến đổi khí hậu. Trích dẫn số liệu của Quỹ Liên hợp quốc (UN Foundation), chỉ có vỏn vẹn 3% vốn trong quỹ từ thiện vì mồi trường được sử dụng để hỗ trợ các dự án đứng đầu bởi phụ nữ.
Các nhà cung cấp tài chính dành cho vấn đề khí hậu thường chú ý tới các tổ chức có quy mô lớn nên những tổ chức do phụ nữ lãnh đạo thường bị “gạt ra” ngoài bởi quy mô nhỏ hơn, điều này càng gây thêm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn vốn chống biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy việc có thêm hành động thiết thực nhằm bảo đảm sự tham gia bình đẳng, đầy đủ của phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình ra quyết định ở lĩnh vực chống biến đổi khí hậu là điều hết sức cần thiết, cấp bách tại thời điểm này.