Lợn đen Mường Pa, cá trắm sông Đà xuống Hà thành
Một cô gái trẻ xuýt xoa khi được cửa hàng mời nếm thử Thạch đen Cao Bằng, trứng gà thảo dược Saschi cùng trà gạo lứt đậu đen rang. Miếng thạch núng nính, thơm mát, thoảng mùi thảo mộc tan trong miệng. Trứng gà luộc nóng hổi, tỷ lệ lòng đỏ lớn, màu vàng chanh, tươi hơn trứng gà thường, hương vị đậm đà, béo ngậy, không hề có vị tanh và không gây đầy bụng.
Cửa hàng Thực phẩm Mường Pa theo đuổi mô hình kinh doanh vì cộng đồng |
Theo nhân viên bán hàng của Mường Pa, trứng gà ở đây khách "ăn một lại muốn ăn hai" là vì trứng được chọn lọc cẩn thận từ giống gà mía thuần chủng, chăn nuôi bằng ngô, rau, củ, quả tự nhiên cùng các loại thảo dược như gừng, tỏi, nghệ, cam thảo, chùm ngây, đinh lăng... Gà được uống thảo dược, vệ sinh sạch sẽ và theo dõi ghi chép sổ hàng ngày, từ đó tạo nên những quả trứng có hương vị thơm ngon, đậm đà, giá trị dinh dưỡng cao.
Đặc biệt lượng cholestorol trong loại trứng gà này chỉ bằng 1/8 lần trứng thường, theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế).
Khách hàng hào hứng thử món thạch đen Cao Bằng tại cửa hàng Thực phẩm Mường Pa |
Điều vị khách trẻ ngạc nhiên chính là sản phẩm chuẩn thạch An Cao Bằng nhưng giá bán chỉ có 25.000 đồng cho một hộp 1kg, bằng 1/2 mức giá trên thị trường. Cũng bởi giá rẻ lại ngon, thạch đen luôn là sản phẩm "cháy hàng" của Thực phẩm Mường Pa. Có vị khách lần nào cũng lấy 4-5 hộp, rồi tự nguyện hỗ trợ quảng bá, khi có đơn thì báo cho cửa hàng.
Thạch đen và trứng gà thảo dược là hai trong số nhiều sản phẩm đang được bày bán tại Thực phẩm Mường Pa. Ngoài thạch đen Cao Bằng, trứng gà thảo dược, cửa hàng còn có gà ri Quang Bình, thịt lợn đen Mường Pa - Mai Châu (Hòa Bình), cá trắm sông Đà, tỏi tía Vân Sơn, mật ong bạc hà, khoai lang Nhật...
Đây là những thực phẩm, đặc sản vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hòa Bình được sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái chất lượng cao dưới sự hỗ trợ của tổ chức Good Neighbors International (GNI).
Trứng gà thảo dược và tỏi tía Vân Sơn. Khách mua hàng trị giá trên 100.000 đồng được tặng 2 quả trứng dùng thử |
Hoạt động ở Việt Nam từ năm 2005, nhiều năm qua, GNI tập trung hỗ trợ người dân Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thanh Hóa phát triển sinh kế dựa trên nguồn lực sẵn có của địa phương.
Tuy nhiên, sau một thời gian nhìn lại, GNI nhận thấy khó khăn lớn nhất của người dân không phải ở sản xuất mà ở khâu tiếp cận thị trường. Làm sao để có thị trường ổn định, giá bán sản phẩm đem lại lợi nhuận cho bà con là trăn trở của các cán bộ thuộc tổ chức này.
"Trước đây, GNI đã hỗ trợ bà con về mặt thị trường bằng cách kết nối với các hệ thống thực phẩm sạch, các siêu thị nhỏ, các công ty chế biến, xuất khẩu nông sản. Thế nhưng, để bà con làm việc trực tiếp với các đối tác đó rất khó, bởi bà con dù giỏi về kinh nghiệm sản xuất nhưng giao dịch, làm thị trường lại yếu. Dù GNI kéo đối tác về cho bà con nhưng để bà con tiếp tục đàm phán, theo được các hợp đồng lại không dễ dàng, dẫn tới hợp đồng bị đứt quãng. Chưa kể, các đối tác thường có chính sách công nợ 1 tháng cũng gây khó khăn cho bà con", anh Ninh Văn Nghị, Quản lý Bộ phận Phát triển Sinh kế của GNI kể.
Bên cạnh đó, qua nhiều năm hỗ trợ bà con các địa phương phát triển sinh kế, GNI nhận thấy bà con có rất nhiều sản phẩm ngon, đặc thù nhưng người tiêu dùng không biết đến hoặc phải mua với giá rất cao.
"Việc mở cửa hàng vừa giúp bà con tiêu thụ sản phẩm vừa giúp người tiêu dùng có được sản phẩm tốt, chất lượng, giá cả phù hợp. Còn vì sao chọn địa điểm cửa hàng ở Hà Nội, đó là vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, lượng người tiêu dùng lớn, thu nhập cao, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, chất lượng cao, gần gũi với thiên nhiên đang phát triển", anh Nghị cho biết.
Sản phẩm cá trắm sông Đà của nhóm sinh kế nuôi cá lồng Tổ Vôi (phường Thái Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) |
Cửa hàng mới mở, sản phẩm chưa nhiều. Theo anh Ninh Văn Nghị, đây vừa là nhược điểm vừa là lợi thế của cửa hàng. Nhược điểm ở chỗ chưa tiện lợi cho khách hàng, khách đến cửa hàng mua thịt cá vẫn phải đi mua rau ở nơi khác. Tuy nhiên, lợi thế của Thực phẩm Mường Pa chính là hàng luôn tươi mới, sản phẩm nào cửa hàng chắc chắn về chất lượng thì mới nhập về.
Gà ri, cá trắm sông Đà, lợn đen Mường Pa, tỏi tía Vân Sơn, mật ong bạc hà... đều là sản phẩm của các nhóm sinh kế được GNI hỗ trợ. Trong đó, tỏi tía được trồng trên đỉnh Vân Sơn (Tân Lạc, Hoà Bình), quanh năm mây mù kết hợp với độ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm nên rất thơm.
Gà ri thuộc giống gà Lạc Thủy được thả trên đồi nơi có nhiều cây xanh, khí hậu mát mẻ nên rất khỏe. Gà nuôi bằng ngô, sắn, rau, khoai, chuối, giun quế, đủ 6 tháng mới thịt.
Cá được nuôi tối thiểu 2 năm trong lòng hồ thủy điện sông Đà |
Cá trắm sông Đà được nuôi bởi 12 hộ thành viên của nhóm sinh kế nuôi cá lồng Tổ Vôi (phường Thái Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Cá được nuôi tối thiểu 2 năm trong lòng hồ thủy điện sông Đà sạch mát, với nguồn thức ăn tự nhiên (rau, chuối, cỏ và các loại tôm tép đánh bắt tại chỗ) nên thịt cá thơm, chắc, vị ngọt tự nhiên.
Còn thịt lợn đen Mường Pa là giống bản địa của người dân địa phương tại Mai Châu, Hòa Bình. Lợn đen được nuôi bằng cám phối trộn với ngô, sắn, cám gạo, bột cá, giun quế cùng tảo xoắn Spirulina... Trong thời gian nuôi 100% không sử dụng chất tạo nạc, chất kích thích sinh trưởng hay dư lượng kháng sinh. Bởi vậy, nhiều khách hàng yêu thích thịt lợn ở cửa hàng bởi thịt thơm, nạc mềm, mỡ giòn ít ngấy, nước luộc trong, không váng, không ra nước khi rang.
Gà ri có trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg/con. Sau khi làm sạch, gà được hút chân không và chuyển luôn tới cửa hàng Thực Phẩm Mường Pa. |
Để đảm bảo chất lượng, GNI còn hướng dẫn bà con cách mổ gà, cá, lợn. Với cá, sau khi làm sạch vẩy, móc mang rồi rửa sạch, bà con phải dùng khăn thấm khô, cá đã cắt khúc thì tuyệt đối không nhúng nước để tránh bị tanh. Tương tự, gà, lợn sau khi làm sạch cũng tiến hành mổ khô, kết quả, thịt đảm bảo tươi ngon, không đọng nước đá khi đóng gói, hút chân không và làm lạnh sâu.
Trong các sản phẩm đang bày bán tại Mường Pa, chỉ có thịt lợn, cá và gà ri là dòng sản phẩm có lợi nhuận, còn lại - từ thạch đen đến mật ong, tỏi tía, khoai lang... đều là các sản phẩm phi lợi nhuận.
"Lợi nhuận cửa hàng thấp đi một chút nhưng bà con sản xuất được nhiều hơn, người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm tốt với giá phù hợp hơn, đắt thì người ta ăn ít, rẻ thì ăn nhiều hơn. Lợi nhuận chỉ cần đủ duy trì cửa hàng là được, nếu có nhiều hơn thì 51% sẽ quay lại làm các chương trình giáo dục và bảo trợ trẻ em của GNI", anh Nghị nói.
Good Neighbors International (GNI) là tổ chức phi chính phủ nhân đạo và phát triển quốc tế được thành lập từ năm 1991 tại Hàn Quốc, hiện đang hoạt động ở 40 quốc gia trên thế giới, tập trung vào Phát triển cộng đồng và Bảo vệ trẻ em. Tại Việt Nam, GNI chính thức mở chi nhánh hoạt động năm 2005 với trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Hiện nay, GNI đang triển khai 06 dự án Phát triển cộng đồng tại 04 tỉnh gồm Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang và Thanh Hóa với hơn 16,000 trẻ em được bảo trợ và 200,0000 người dân hưởng lợi từ các dự án. |