Liên hiệp Quảng Nam: Duy trì hiệu quả ngay sau khi dự án kết thúc
Ông Hoàng Châu Sinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam trả lời phóng viên báo Thời Đại. |
Kết hợp giao lưu nhân dân với kêu gọi viện trợ
Trong 15 năm qua, Liên hiệp Quảng Nam đã có nhiều hoạt động song phương và đa phương; tích cực vận động, tranh thủ nguồn lực vật chất, tri thức, khoa học, công nghệ từ các đối tác phục vụ phát triển kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện “giảm nghèo bền vững”, xây dựng nông thôn mới vì một Quảng Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Theo ông Sinh, một chủ đề xuyên suốt nhiều năm qua của Liên hiệp là cùng với Hội hữu nghị Việt - Lào tỉnh không ngừng gìn giữ, vun đắp và phát huy tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam nói chung, hai tỉnh kết nghĩa Quảng Nam - Sekong nói riêng bằng nhiều chương trình, sự kiện, thu hút hàng trăm, hàng ngàn cán bộ hội viên của Liên hiệp, Hội hữu nghị Việt-Lào và các tầng lớp nhân dân nhất là lớp người trẻ hào hứng tham gia.
Năm năm liên tục tổ chức chương trình nhân đạo tại tỉnh Sekong (Lào) vận động gần 3 tỷ VND và hàng chục lượt thầy thuốc tình nguyện từ TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam sang khám bệnh, phẫu thuật, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hàng ngàn người dân nghèo, trao học bổng cho hàng trăm học sinh hiếu học vùng sâu, vùng xa tỉnh kết nghĩa nói trên. Thông qua Liên hiệp Quảng Nam, hai tổ chức hữu nghị Việt-Lào, Lào-Việt của hai tỉnh kết nghĩa Quảng Nam - Sekong đã phối hợp tổ chức tốt chương trình từ thiện được nhân dân nước bạn hoan nghênh, chính quyền tỉnh kết nghĩa tặng Bằng khen.
Liên hiệp còn phối hợp với Hội hữu nghị Việt – Lào TP. Đà Nẵng ấn hành một tập sách mang tên “Đà Nẵng – Quảng Nam: Thắm mãi mối tình hữu nghị Việt – Lào” ghi lại những kỷ niệm từ các thời kỳ chiến tranh trước đây của quân tình nguyện Việt Nam và sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào nói chung và giữa hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng.
Ngoài ra, với các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, Liên hiệp đã gắn giao lưu nhân dân với vận động viện trợ phi chính phủ, đặc biệt là các nước vùng Đông Nam Á, Bắc Âu, và Bắc Mỹ.
Hàng chục dự án, phi dự án với nhiều chương trình đã đồng hành và góp phần tích cực cho sự phát triển của nhiều vùng miền trong tỉnh như: chương trình cải thiện nhà ở; phòng tránh giảm nhẹ thiên tai & biến đổi khí hậu; nước sạch, vệ sinh môi trường; sinh kế giảm nghèo bền vững; chương trình trao xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ hộ nghèo, người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trẻ khuyết tật, mồ côi…Trong năm năm gần đây, Liên hiệp Quảng Nam đã vận động được gần 60 tỷ VND.
Nhiều mô hình, dự án được thực hiện trong nhiều năm, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Với Nhật Bản, từ năm 2011 đến nay, Hội đồng Hòa bình hữu nghị Nhật – Việt tỉnh Saitama, Nhật Bản (JVPF) đã giúp đỡ xây dựng 30 “Nhà nhân ái” cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin (bình quân 30 - 50 triệu đồng/căn).
Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau sạch tại HTX nông nghiệp sạch Mỹ Hưng |
Một dự án nữa có thể coi là “dài hơi” nhất, có số lượng chuyên viên, cán bộ quản lý tham gia nhiều nhất, huy động lực lượng lao động thuộc nhiều ngành nghề ở nhiều vùng trong tỉnh tham gia và trực tiếp hưởng lợi với cách nghĩ, cách làm mới và đem lại hiệu quả cùng sức lan tỏa trong và sau khi kết thúc. Đó là “Chương trình đối tác phát triển NGO-JICA” do cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng thành phố Minamiboso (Nhật Bản) tài trợ và tư vấn triển khai tại Quảng Nam từ năm 2009 đến 2018, để lại thành quả mang nhiều ý nghĩa cả về kinh tế, xã hội.
Các dự án như “Trạm dừng nghỉ đường bộ”, chuỗi giá trị sản xuất-tiêu thụ nông sản sạch, đầu ra cho hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản từ liên kết - hợp tác phát triển với 5 điểm quảng bá+bán hàng ở hai địa phương Quảng Nam, Hà Nội. Qua đó, người Quảng Nam ở vùng dự án triển khai có nhiều cơ hội tìm hiểu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và cách nghĩ, cách làm của người Nhật và tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản được kết tinh thắm đượm trong thành quả mà dự án mang lại.
Ông Sinh nhấn mạnh: Liên hiệp Quảng Nam đã đóng vai trò một kênh rất tích cực giúp cho tổ chức PCPNN khi họ ngỏ lời muốn tới Quảng Nam làm dự án, đồng thời hỗ trợ các tổ chức về mặt thủ tục hành chính, hỗ trợ họ làm việc với các cơ quan, ban ngành địa phương.
Quảng Nam là một trong những địa phương bị chiến tranh tàn phá, là địa phương xảy ra vụ thảm sát do lính Nam Triều Tiên gây ra. Nhiều người Hàn Quốc muốn tới Quảng Nam để làm một điều gì đó chuộc lại lỗi lầm, hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại. Liên hiệp đóng vai trò tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, hướng các tổ chức, cá nhân Hàn Quốc đến những hoạt động thiết thực, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ sinh kế hay tài trợ học bổng cho trẻ em.
Duy trì tốt dự án ngay cả khi tổ chức PCPNN rời đi
Cũng theo ông Sinh, xu hướng chung của vận động viện trợ hiện nay là phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ kĩ năng, kinh nghiệm. Đó cũng là mong muốn chung của người dân Quảng Nam. Về tài chính, Quảng Nam có thể vận động nguồn lực tại chỗ. Ngoài ra, có thể tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng (y tế, trường học, môi trường) tại các vùng sâu vùng xa tại địa phương.
Bà Hamada Haruko – Viện trưởng kiêm Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển sản phẩm Nhật Bản M&D chia sẻ với các nghệ nhân, doanh nghiệp, cá nhân về nghệ thuật Omotenashi (hiếu khách) trong chăm sóc khách hàng vào ngày 18/10/2017 tại Làng Lụa Hội An, Quảng Nam. |
Theo Chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, mục tiêu phấn đấu xây dựng Quảng Nam thành một tỉnh khá của cả nước. Hướng chính là huy động nguồn lực tại chỗ, trong đó tập trung phát triển kinh tế nội sinh của tỉnh và một ngành mũi nhọn như du lịch và công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, công tác vận động viện trợ PCPNN có nhiệm vụ quan trong nhằm bổ sung nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển; tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài và kêu gọi đầu tư từ cộng đồng kiều bào Quảng Nam ở nước ngoài.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, các nhà tài trợ quốc tế đang có xu hướng giảm ưu tiên của mình, ông Sinh cho rằng cần huy động các nguồn lực tại chỗ tham gia vào các dự án tại địa phương. Độ bền vững của dự án chính là ở đó. Đoàn đến rồi đoàn lại đi nhưng cái để lại chính là các dự án, chương trình. Cái cần phải làm bây giờ là phát huy được tối đa hiệu quả và duy trì sức lan tỏa của các dự án ngay cả khi chúng đã kết thúc, các tổ chức PCPNN đã rời đi, ông Sinh nhấn mạnh.
Điển hình như “Chương trình đối tác phát triển NGO-JICA” đã kết thúc đầu năm 2019 nhưng Liên hiệp Quảng Nam vẫn đang làm việc với JICA để duy trì các mô hình (chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, phát triển làng nghề, liên kết hợp tác Quảng Nam – Hà Nội). Chính những mô hình kinh tế như vậy sẽ tạo ra nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững./.
Xem thêm
Hội hữu nghị Việt - Lào và bác sĩ Quảng Nam thiện nguyện tại tỉnh Sê Kông (Lào) Vừa qua, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam cùng bác sĩ Bệnh viện Đa ... |
Quảng Nam: Vận động hơn 29 tỷ đồng từ các tổ chức, dự án phi chính phủ Ngày 5/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã chủ ... |
Liên hiệp Quảng Nam qua 15 năm xây dựng và phát triển Ngày 29/11, tại TP. Tam Kỳ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày ... |