Lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên lại đấu khẩu về hạt nhân
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song phát biểu trong một cuộc họp báo ở New York, Mỹ, ngày 7 tháng 10 năm 2019. REUTERS / Brendan McDermid |
Nhận xét của Đại sứ Kim Song dường như đi xa hơn cảnh báo trước đó của Triều Tiên rằng các cuộc thảo luận liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, trọng tâm của sự can dự của Mỹ với Triều Tiên trong hai năm qua, có thể phải được đưa ra khỏi bàn đàm phán do Washington từ chối đưa ra nhân nhượng.
Ông Kim nói trong một tuyên bố rằng "cuộc đối thoại bền vững và đáng kể" mà Mỹ tìm kiếm là một "mánh khóe tiết kiệm thời gian" để phù hợp với chương trình nghị sự chính trị trong nước, ám chỉ đến cuộc tranh cử năm 2020 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Chúng tôi không cần phải có các cuộc đàm phán kéo dài với Mỹ và vấn đề phi hạt nhân hóa đã ra khỏi bàn đàm phán", ông nói trong tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Tổng thống Trump, ngay sau đó, nói rằng "sẽ phải xem xét lại vấn đề về Triều Tiên".
Căng thẳng đã tăng lên dù thời hạn cuối năm do Triều Tiên đặt ra chưa đến, trước đó nước này đã kêu gọi Mỹ thay đổi chính sách yêu cầu phi hạt nhân hóa đơn phương của Bình Nhưỡng và yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cảnh báo ông có thể đi một "con đường mới" không xác định vào năm tới, làm dấy lên lo ngại điều này có thể có nghĩa là nước này sẽ quay trở lại thử nghiệm bom hạt nhân và tên lửa tầm xa vốn đã ngừng kể từ năm 2017.
Hôm 3/12, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lại kêu gọi Washington thay đổi "chính sách thù địch" và nhấn mạnh "quà Giáng sinh" và cuối năm sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của Washington.
Ông Kim Song cũng nhắc lại một tuyên bố trong tuần này từ các thành viên EU của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ trích các vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên, gọi đây là "hành động khiêu khích nghiêm trọng" đối với Bình Nhưỡng và nói rằng những nước này đang đóng vai trò là "con chó cưng" của Mỹ.
Ba lần gặp nhau, nhưng không kết quả
Ông Trump và ông Kim Jong Un đã gặp nhau ba lần kể từ tháng 6/2018, nhưng các cuộc đàm phán đã có ít tiến triển và những ngày gần đây đã chứng kiến căng thẳng giữa hai nước quay trở lại với những “lời qua tiếng lại” làm dấy lên nỗi lo ngại chiến tranh xảy ra hai năm trước.
Năm 2017, hai nhà lãnh đạo tham gia vào cuộc chiến ngôn từ, với việc Trump gọi Kim Jong Un là "Rocket Man” (tạm dịch: Người đàn ông tên lửa) và Triều Tiên đã đả kích tổng thống Mỹ, hiện 73 tuổi, là một "dotard" (tạm dịch: ông già lẩm cẩm).
Hôm 3/12, Tổng thống Trump một lần nữa gọi ông Kim là " Rocket Man" và nói rằng Mỹ bảo lưu quyền sử dụng lực lượng quân sự chống lại Triều Tiên. Bình Nhưỡng đáp trẻ, tuyên bố bất kỳ sự lặp lại của ngôn ngữ như vậy sẽ đại diện cho "bệnh lẩm cẩm của ông già (Trump) tái phát".
Dù vậy nhưng ông Trump vẫn bày tỏ hy vọng rằng ông Kim Jong Un sẽ đồng ý phi hạt nhân hóa. Hôm 6/12, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết nước này chưa quyết định có cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về vi phạm nhân quyền của Triều Tiên.
Hôm 6/12, Hàn Quốc cho biết ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức một cuộc hội đàm kéo dài nửa giờ về cách duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Nước này tuyên bố hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng tình hình đã trở nên "nghiêm trọng" và "cần phải duy trì đà đối thoại để đạt được kết quả kịp thời từ các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa".
Nhiều nhà ngoại giao, nhà phân tích và quan chức Mỹ từ lâu đã nghi ngờ Triều Tiên sẵn sàng đàm phán một chương trình hạt nhân mà nước này đã đầu tư hàng thập kỷ và nguồn lực khổng lồ để tạo ra.
Mặc dù vậy, Jenny Town, biên tập viên của trang web chuyên theo dõi Triều Tiên 38 North có trụ sở tại Washington, cho biết vẫn chưa rõ liệu những lời của ông Kim Song nên được hiểu theo nghĩa đen.
"Đó là một lựa chọn thú vị của người phát ngôn. Kim Song không trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán và không phải là người được chỉ định đảm nhận công việc liên quan đến mối quan hệ với Mỹ tại Liên Hợp Quốc", cô nói.
"Những loại phát ngôn cứng rắn này đang tăng tần suất khi thời hạn cuối năm đến gần, có lẽ để cố gắng buộc Mỹ đưa một lời đề nghị vào phút cuối. Mặc dù họ càng cố như thế này, họ càng ít có được những gì họ muốn."
Town cho biết Triều Tiên trước đây đã chỉ ra sẵn sàng từ bỏ một phần chương trình hạt nhân của mình như một thỏa thuận giai đoạn đầu, nhưng không đồng ý phi hạt nhân hóa hoàn toàn cùng một lúc. Tháng trước, Kim Yong Chol, một quan chức cấp cao, người trước đây đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Washington, nói rằng Bình Nhưỡng chỉ sẵn lòng thảo luận về phi hạt nhân hóa khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ đáng tin cậy.
"Triều Tiên luôn thích cách tiếp cận từng bước hơn là đàm phán mọi thứ cùng một lúc", Town nói. "Có thể đây là ý nghĩa lời tuyên bố của ông Kim Song, vì chúng ta chưa nghe thấy bất cứ điều gì thẳng thắn và rõ ràng như thế này từ những người tham gia vào các cuộc đàm phán."