Làng bánh chưng Tranh Khúc, Hà Nội nhộn nhịp đón Tết
Bánh chưng Tranh Khúc đã trở thành nét đẹp, đặc trưng của người Hà Nội (Ảnh: Món ngon Hà Nội). |
Thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc mới có trên thị trường hơn 40 năm nhưng theo người dân làng kể lại thì làng bánh chưng Tranh Khúc đã tồn tại từ rất lâu. Khi đất nước bị giặc ngoại xâm đô hộ thì dân làng phải di dời đến nơi khác, mãi cho đến ngăm 1975, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc mới được xây dựng lại và duy trì phát triển đến ngày nay.
Đến làng Tranh Khúc vào dịp Tết, dễ thấy nhà ai cũng gói bánh chưng. Vào thời điểm cận Tết, mỗi nhà trong làng nghề làm khoảng 1.000 đến 2.000 chiếc bánh chưng các loại.
Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc được biết đến với độ dẻo, thơm ngon. Đây đã là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân Hà Nội mà nhiều khách phương xa.
Để làm được chiếc bánh chưng Tranh Khúc ngon nổi tiếng thì cần có những nguyên liệu chọn lọc. Lá dong gói bánh thường được đặt mua từ vựa lá nổi tiếng Tràng Cát (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Thậm chí được người dân đặt từ nhiều tháng trước Tết tận Nghệ An, Hà Tĩnh để lựa chọn đúng loại lá tẻ, bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách.
Gạo nấu bánh có rất nhiều loại: của Bắc Ninh, Thái nhưng nếu chọn loại nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu ngon.
Đậu xanh chọn loại ngon, dẻo. Sử dụng đậu vỡ sẵn, hoặc loại đậu hạt tiêu, sẫm màu, ngon và thơm ngậy hơn loại đậu mỡ hạt to, lại bở và dẻo.
Thịt lợn làm bánh là thịt nạc mông, thịt ba chỉ. Thịt lợn sẽ được rửa sạch, sau đó cắt nhỏ. Còn nhân đỗ xanh sau khi nấu nhuyễn sẽ được nặn thành những bánh đỗ xanh kẹp thịt lợn ở bên trong. Tất cả những công việc chuẩn bị phải làm đồng thời nên từ già tới trẻ ở Tranh Khúc đều bận rộn với công việc.
Sau khi đã hoàn thành các công đoạn chuẩn bị, người dân Tranh Khúc bắt đầu tất bật với công việc gói bánh. Người dân Tranh Khúc gói bánh chưng rất khéo. Hầu hết mọi thanh niên, thiếu nữ ở Tranh Khúc đều biết gói bánh chưng từ nhỏ nên gói rất nhanh và rất đẹp.
Bánh gói chặt tay, buộc chặt rồi luộc 8-10 tiếng. Khi bánh chín, rửa qua nước lạnh cho bánh được sạch, lá không bị khô, xấu lá. Rồi sau đó dùng một tấm phên chèn để nước trong vỏ bánh chảy hết khi bánh vẫn còn đang mềm, làm như vậy có tác dụng làm cho bánh nở đều, các góc chặt như nhau.
Hiện nay, làng Tranh Khúc còn 215 hộ gia đình vẫn làm nghề gói bánh chưng truyền thống.