Làm phim chuyên nghiệp hơn mới 'tới' được
Mà đúng vậy thật, theo đạo diễn Lê Bảo Trung, sản xuất phim ở VN là một thử thách: vừa ít tiền lại vừa không chuyên nghiệp, vì thế, khổ nhất là đạo diễn, anh làm sao có thể tập trung vào sáng tạo trong khi anh phải kiêm mọi thứ, hoặc bị phân tán khi bị những thứ khác bủa vây bởi sự yếu kém, không đồng bộ của các bộ phận trong đoàn phim.
Cho đến nay, dù điện ảnh VN đã tạm gọi là “có tuổi” trăm năm, nhưng thật ra vẫn là một cỗ máy rời rạc không thể đồng điệu để cho ra một sản phẩm nghệ thuật trọn vẹn, đó là nỗi buồn của tất cả những người làm phim.
Cần đào tạo người ủi đồ… chuyên nghiệp
Diễn viên lồng tiếng Quang Nhân. |
Nhưng cũng từ yếu tố đó, một nhóm các nghệ sĩ đã rủ nhau lập ra một nơi, mà ở đó, họ có thể “sửa chữa” cỗ máy rời rạc này bằng cách đào tạo ra những con người vận hành chuyên nghiệp. Mà như đạo diễn Lê Bảo Trung nói: “Đây là một ước mơ đã được ấp ủ rất lâu từ 12 năm trước. Tôi nghĩ nên có một môi trường đào tạo những nhân lực chuyên nghiệp cho điện ảnh ở từng khâu: ánh sáng, trang trí, thiết kế, trang phục, phục trang, hóa trang, thư ký trường quay… Vì vậy tôi đã cố gắng thành lập một học viện để quy tụ những tài năng điện ảnh cùng nhau để truyền nghề một cách chuyên nghiệp cho các thế hệ sau và cả những người muốn bước vào điện ảnh trong bất kỳ một vai trò nào”.
Học viện Vietstar đào tạo nghề làm phim. Bao hàm tất cả các bộ phận mà một bộ phim cần: Nghề tổ chức sản xuất phim, nghề trợ lý đạo diễn, nghề thư ký trường quay, nghề hóa trang điện ảnh, nghề nhiếp ảnh phim trường, thậm chí là nghề focus… “Vai trò của người chỉnh nét trong một bộ phim điện ảnh cực kỳ quan trọng và lương gần bằng quay phim chính- đó là một nghề hiếm hoi nhưng rất cần kỹ thuật cao, năng khiếu”, Bảo Trung nói.
Ít có ai biết rằng, để có một bộ phim hoàn chỉnh, việc đầu tiên là… tổ chức có hệ thống “đường dây” một cách khoa học để có thể ít tốn thời gian và tiền bạc nhất, muốn vậy thì cần tất cả những khâu từ nhỏ đến lớn đều phải chuyên nghiệp. Bởi khi phim đã trình chiếu, hay dở, sạn nhiều hay vô duyên thì đều đổ hết lên đầu đạo diễn. “Ông đạo diễn phim đó dở ẹt, toàn sạn”, “đạo diễn ẩu quá”…vv… Phim bại là đạo diễn bị “xử bắn” trước. Mà chẳng ai quan tâm đến việc là phim đó bị “bể” là do đoàn làm phim đã có những khâu rất có vấn đề trong việc xử lý công việc. “Nhưng một mình ông đạo diễn thì không thể ba đầu sáu tay, và một đoàn phim có 150 người đó làm nên bộ phim chứ không phải là đạo diễn. Vì vậy làm sao để nhịp nhàng nhất thì cần yếu tố chuyên nghiệp. Đạo diễn là người gác cổng sau cùng, theo ý đồ kịch bản. Có những lúc biết rõ các anh em làm sai mà mình vẫn phải chịu. Vì các anh em không được đào tại bài bản nên có nói thì anh em cũng chỉ hiểu tới đó thôi. Sai mà không biết mình sai thì rất khó chỉ ra. Chuyện nhỏ hết sức như ủi bộ đồ phục trang, người ủi đồ cũng phải được học chuyên nghiệp, nếu không bạn sẽ thấy phim Việt Nam, người nông dân đi cày mà mặc áo phẳng lì, có li”, đạo diễn Bảo Trung tâm sự.
Đạo diễn Mỹ Khanh cho rằng nhiều khi coi một bộ phim kịch bản và diễn viên rất hay, nhưng cứ tiếc nuối giá mà những người làm phim đó làm tốt hơn, chu đáo hơn, thì bộ phim sẽ hoàn hảo hơn nhiều. “Mình trong nghề nên hiểu đây không phải lỗi đạo diễn mà do bộ phận đó không chỉn chu, không chuyên nghiệp. Mình làm một nghề vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính kỹ thuật mà không được đào tạo. Các trường chính quy hiện nay đào tạo chủ yếu là đạo diễn, diễn viên, quay phim. Thiết kế mỹ thuật, biên kịch lâu lâu mới có, lý luận phê bình cũng mất luôn rồi. Mỗi lần thực hiện một bộ phim tôi đều phải tự đào tạo: hóa trang, phục trang, thư ký trường quay. Tôi phải nói thật là đã có rất nhiều đoàn làm phim có 4 người làm ánh sáng thì có ít nhất 2 người không biết gì cả. Tổ chủ nhiệm hồi xưa bây giờ gọi là điều hành sản xuất, đó là nơi mà người ta tuyển người thất nghiệp vô làm”.
Tiến tới thời cùng công chúng làm phim
Đạo diễn Lê Bảo Trung (trái) và Mỹ Khanh. |
Trong khi điện ảnh rất cần chuyên nghiệp để cho ra những bộ phim nghệ thuật “tới” được thì một dòng chảy khác của những “nhà làm phim không chuyên” đó chính là công chúng.
Muốn công chúng yêu phim ảnh, cần cho họ tham dự như một thành phần của nền điện ảnh truyền hình. Đó chắc chắc là yếu tố thúc đẩy cho thị trường điện ảnh truyền hình trong tương lai mà không thể là con đường khác được.
Đạo diễn Mỹ Khanh chia sẻ: “Xu hướng làm phim qua điện thoại ngày càng gia tăng. Ai cũng có online nên để đăng trên youtube hoặc tiktok một câu chuyện gì đó của mình, cùng với sự tiện lợi của một cái smartphone tích hợp nhiều tiện ích cho người sử dụng nó. Tất nhiên sử dụng tự nhiên khác với việc khi các bạn hiểu về góc máy và ngôn ngữ hình, muốn vậy, bạn cần tự cho mình một khoảng thời gian ngắn để tham dự một lớp học về lĩnh vực này. Tôi tin, nếu ai cũng chịu học, thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ có một lớp khán giả hiểu biết và cả một thị trường làm phim sôi nổi”.
Đạo diễn Mỹ Khanh cũng cho biết cô đang có một dự án nho nhỏ dành cho những ai thích sản xuất phim từ smartphone, đặc biệt là phụ nữ. “Bởi vì không ai kể chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện đời sống và cả chuyện… đàn ông hay bằng họ. Vì vậy, qua góc nhìn của những người phụ nữ mà hiện nay vai trò của họ gần như xuyên suốt và nắm giữ phần hồn của một gia đình, sẽ có rất nhiều chuyện của cuộc đời được kể có thể giúp cho chúng ta tìm thấy nhau. Tôi mong ước có một festival phim những người phụ nữ làm. Tôi nghĩ với sự hỗ trợ của bạn bè trong nghề và tham gia vào đội ngũ giảng dạy tại học viện Vietstar của anh Lê Bảo Trung, tôi sẽ đạt được mơ ước đó”.
Ý tưởng tạo ra một sân chơi cho công chúng yêu phim ảnh bắt đầu từ việc giúp họ tự làm phim cho mình, để hiểu về một số thuật ngữ cũng như cách thức cơ bản trong việc làm phim đã phần nào đó mở ra những “thế giới mới” cho tất cả những ai quan tâm và yêu thích nghệ thuật thứ bảy này.
Tìm nhân tài ở lứa tuổi niên thiếu
Muốn có được một công chúng hiểu biết phim ảnh, có được đội ngũ làm phim chuyên nghiệp thì phải có thêm ý thức gieo hạt mầm yêu thích phim ảnh từ tuổi ấu thơ.
Đó cũng chính là cách mà đạo diễn Lê Bảo Trung, Mỹ Khanh hay các diễn viên như Hiền Mai, Chi Bảo, Quang Nhân, Hùng Thuận… đang thực hiện lớp học cho các em nhỏ.
Quang Nhân vốn là một đứa trẻ tự kỷ, nhưng việc tiếp xúc với phim ảnh do một cơ duyên khá tình cờ đã giúp anh hiện nay trở thành một trong những người lồng tiếng giỏi nhất Sài Thành. Không những vậy anh còn tham gia đào tạo và tuyển chọn các diễn viên ở góc độ đài từ cho các bộ phim không cần lồng tiếng mà thu giọng thật. “Tôi vốn tự kỷ nhẹ, hồi nhỏ nói chuyện với người khác mà không dám nhìn thẳng vào họ, nhất là đi đâu cũng núp sau lưng mẹ không dám nói chuyện với ai. Nhưng sau nhiều lần tham gia diễn xuất tôi đã tự tin đứng trước mọi người, cải thiện kỹ năng trước đám đông và nhận ra: “Mọi người cũng như mình, ai cũng có nỗi sợ trong người”… từ đó mà mạnh dạn hơn và qua các dự án, bài tập luyện. Đến giờ tôi đã tham gia lồng tiếng rất nhiều vai, các nhân vật hoạt hình. Tôi càng tự tin nhiều hơn và tôi mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm của mình cho các em thiếu nhi, đặc biệt là giọng nói, diễn xuất của các bé. Bên cạnh đó tôi còn muốn giúp các em học lễ phép, đạo đức, lồng trong những bài tập ngắn về nghệ thuật diễn xuất và giọng nói… Tôi nghĩ đối với các bạn thiếu nhi, việc học ở trường đã quá căng thẳng nên nếu các bạn đến học lớp tôi dạy, các bạn sẽ được thư giãn hoàn toàn, chơi mà học, chơi rồi sẽ quen dần với các bài học cơ bản để đưa các bạn vô môi trường chuyên nghiệp nếu các bạn có năng khiếu”.
Đạo diễn Lê Bảo Trung có chút than phiền về thiếu trầm trọng diễn viên nhí có khả năng vì anh vốn là đạo diễn của các phim thiếu nhi “hot” hiện nay: “Mười mấy năm nay rất ít nhà đầu tư quan tâm đến thiếu nhi, bản thân tôi có nhiều kinh nghiệm làm việc với trẻ em với các độ tuổi khác nhau, tôi làm các phim cho trẻ em của TFS và sau này là các phim điện ảnh. Sau khi chiếu ra rạp thì phải nói là luôn trong tâm trạng “sinh tử” vì trông chờ khán giả nhí có đến hay không và không ngờ các bậc phụ huynh và các em đều muốn được sống trong không khí mà cả gia đình dắt nhau đi coi phim. Để làm phim hay chúng ta cũng phải có các diễn viên thiếu nhi chuyên nghiệp, chỉn chu. Nhưng việc khó khăn nhất là mỗi lần làm phim thiếu nhi là đi kiếm… các bé. Cha mẹ đưa tới những em năng khiếu học múa, nhảy, nhạc… nhưng không có chỗ nào cho các em bộc lộ khả năng diễn xuất. Có nhiều em có năng khiếu nhảy múa nhưng phát âm thì lại là vấn đề nan giải…”.
Chúng ta đều biết các con em chúng ta ngày nay năng động, lanh lợi và thông minh hơn rất nhiều những thế hệ trước, nhưng làm thế nào để giúp cho các em thể hiện và phát huy năng lực tự nhiên đó một cách hợp lý với nghệ thuật. Dạy cho thiếu nhi không dễ mà cũng không khó nếu biết và hiểu được các em.
“Học qua dự án là thông qua việc học nghệ thuật, hướng các em tới các kỹ năng mềm để giúp cho các em có thái độ (bạn nhìn như thế nào) với gia đình, bạn bè, người lớn. Ngày xưa người ta xếp kiến thức lên hàng đầu, bây giờ họ xếp xuống cuối mà để thái độ lên đầu, và thái độ quyết định tất cả. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta nên giúp cho các em có một thái độ sống tốt. Mỗi một lớp học mình sẽ đề xuất cho các bạn làm nên một dự án và dự án này để phục vụ cộng đồng… như cho các em tật nguyền, người già, khu phố nghèo… các bạn tự chọn đề tài”, đạo diễn Mỹ Khanh chia sẻ.
Một bức tranh cho nhân lực phim ảnh 2021 sẽ được dệt nên bằng nhiệt huyết của những đạo diễn, diễn viên và các nhà làm phim chuyên nghiệp, có tài năng, đạo đức nghề nghiệp truyền lại cho công chúng và các em nhỏ, đó không chỉ là giấc mơ, nó sẽ thành hiện thực cho tất cả những ai tham dự với thái độ chuyên nghiệp và thoải mái, tự do.
PVF chuyển nhượng 20 cầu thủ cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp Ngày 28/12/2020, Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức Lễ tốt nghiệp, trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo cho 20 học viên ưu tú. Đồng thời, toàn bộ lứa cầu thủ trẻ này sẽ được chuyển nhượng ngay cho các Câu lạc bộ V-LEAGUE và hạng nhất Quốc Gia. |
Trump thông báo vaccine Covid-19 bắt đầu được chuyển tới các bang, chuẩn bị được tiêm Thông tin được Trump đưa ra sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm nay phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech. |
"ASEAN trong mỗi chúng ta" - chủ đề mới trong triển lãm ảnh và phim tại Bình Phước tháng 12 Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, về sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các lợi ích do Cộng đồng mang lại, chào mừng năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự - Tài liệu về Đất nước, con người; Bảo vệ môi trường và Biến đổi khí hậu; Các dân tộc trong trong cộng đồng ASEAN từ ngày 15 đến 17/12/2020 tại tỉnh Bình Phước. |