Lãi suất điều hành vẫn có thể giảm tiếp?
Giảm lãi suất điều hành: Điều kiện cần nhưng chưa đủ để thúc đẩy kinh tế?
Theo chuyên gia, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.
|
Hậu điều chỉnh giảm lãi suất điều hành: Lãi suất cho vay có thể giảm 1% trong tháng 6?
Theo các chuyên gia, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là cơ sở để hạ lãi suất cho vay. Dự báo, mức lãi suất cho vay với doanh nghiệp ngay trong tháng 6 có thể giảm tới 1%.
|
Tín dụng phục hồi bấp bênh
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua liên tục cập nhật tình hình tăng trưởng tín dụng với số liệu không mấy khả quan.
Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 2,75% so với cuối năm 2022, cao hơn mức tăng 2,57% vào ngày 20/4. Tuy nhiên, xu hướng trong tháng 5/2023 là không khả quan. Tính đến ngày 9/5, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,69% và số liệu mới cập nhật nhất (tính đến ngày 16/5) chỉ đạt 2,72% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ chỉ đạt 9,3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 14-15% của năm 2023.
Theo đánh giá của bà Trần Hà My, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trái với sự phục hồi tương đối tốt trong hai tháng trước, xu hướng phục hồi của tăng trưởng tín dụng không phải là một đường thẳng hàm ý cung-cầu vốn khó gặp nhau. Điều này được lý giải xuất phát từ một số nguyên nhân.
Thứ nhất, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Thứ hai, các gói ưu đãi lãi suất hiện tại chưa đi vào thực tiễn. Thứ ba, lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã giảm tương đối (100-150 điểm cơ bản), nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Ngoài ra, sự suy yếu của thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm.
Về các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất, tình hình triển khai không mấy khả quan. Theo cập nhật của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2023, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52 nghìn tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ đạt khoảng 409 tỷ đồng, tương ứng với mức độ hoàn thành 1% so với quy mô gói hỗ trợ lãi suất 2%. Hiện tại, NHNN và Chính phủ vẫn chưa có phương án cụ thể điều chuyển nguồn vốn không sử dụng hết của gói hỗ trợ này.
Trong khi đó, sau hơn một tháng triển khai, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 120 nghìn tỷ đồng của các NHTMCP Nhà nước vẫn chưa phát sinh dư nợ, nguyên nhân là NHNN chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đây có thể nói là hai ví dụ thực tế nhất về hiệu quả thực thi chính sách, chính sách cho dù nhiều nhưng khả năng thực thi kém thì cũng không tạo ra tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.
Có thể có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành
Ngày 24/5 vừa qua, NHNN đã tiếp tục đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, tiếp nối sau chỉ đạo của Chính phủ sau phiên họp thường kỳ tháng 4. Đây là lần giảm lãi suất điều hành lần thứ ba liên tiếp chỉ trong vòng hơn hai tháng với động cơ chính đằng sau là tăng trưởng kinh tế vẫn còn đang rất yếu.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 13,0%, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) tăng 8,3%. Riêng tháng 4/2023, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 16,2%, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 11,5% (thấp hơn mức tăng của tháng 3, riêng bán lẻ hàng hoá chỉ tăng 9,7%). Rủi ro suy giảm sản xuất và xuất khẩu tiếp diễn khi PMI tháng 4/2023 giảm chỉ còn 46,7 điểm.
Ngoài ra, một số điểm thuận lợi cho quyết định của NHNN là lạm phát trong nước tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần như đã kết thúc.
Theo chuyên gia VDSC, tác động tích cực của đợt giảm lãi suất điều hành lần này là do mặt bằng lãi suất huy động với kỳ hạn 3 tháng của các NHTMCP Nhà nước và tư nhân hiện đang cao hơn trần lãi suất nên lãi suất huy động có thể giảm thêm từ 20-50 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, vì động lực tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, rủi ro nợ xấu đang gia tăng nên chuyên gia cho rằng, cơ chế truyền dẫn chính sách giảm lãi suất điều hành là không mạnh và mất thời gian mới có thể nhìn thấy kết quả.
“Hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 100 điểm cơ bản so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, chúng tôi cho rằng vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 50-100 điểm cơ bản trong quý 3/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái”, chuyên gia VDSC nhận định.
Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, chuyên gia kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan toả tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay.
Cùng quan điểm, các chuyên gia phân tích tại Maybank Investment Bank (MSVN) cũng cho rằng, Nhà điều hành sẽ hạ thêm 0,5-1% cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng trong bối cảnh tăng trưởng GDP gặp nhiều trở ngại dai dẳng. Tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% của chính phủ trong năm nay, với dự báo +5,5% của MSVN cũng sẽ có rủi ro nghiêng về chiều hướng giảm. Với sự cấp thiết phải hỗ trợ tăng trưởng, MSVN hy vọng việc hạ lãi suất sẽ được thực hiện tiếp trong ba tháng tới.
Rủi ro chính đối với dự báo của MSVN là áp lực tỷ giá tăng trở lại, điều này sẽ hạn chế khả năng hạ lãi suất của NHNN. Chênh lệch lãi suất với Mỹ đang thu hẹp do NHNN đã giảm lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay trong khi Fed tăng 75 điểm cơ bản. Theo CME Fedwatch Tool, các thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng từ tháng 6 và chỉ nới lỏng trong tháng 11.
Một loạt lãi suất điều hành có thể sắp được điều chỉnh?
Theo giới phân tích, trên cơ sở thực tế là lạm phát đang giảm, thanh khoản trên thị trường dồi dào, tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm nay.
|
Ngân hàng Nhà nước lần thứ ba giảm lãi suất điều hành trong chưa đầy 2 tháng
Quyết định này đã đánh dấu lần giảm lãi suất điều hành thứ ba liên tiếp trong chưa đầy hai tháng qua của Nhà điều hành.
|