Kỳ lạ cuộc thi “vô tri” chỉ cần ngồi đờ đẫn ở Hàn Quốc
Trong một xã hội luôn đề cao hiệu suất và hiệu quả, một nghệ sĩ với nghệ danh Woopsyang đã mang đến một khái niệm mới, độc lạ và khác hẳn với các tiêu chuẩn thông thường để khuyến khích mọi người thư giãn.
Woopsyang được biết đến là một nghệ sĩ có cách tiếp cận nghệ thuật sáng tạo với các màn biểu diễn nghệ thuật có công chúng tham gia hay nghệ thuật sắp đặt độc đáo. Danh tiếng của cô được nhiều người trên thế giới biết đến sau khi tổ chức cuộc thi sáng tạo yêu cầu người tham gia "ngồi đỡ đẫn" hoặc không chú ý đến những gì đang xảy ra xung quanh mình trong suốt 90 phút.
Cuộc thi đờ đẫn ở Hàn Quốc |
Woopsyang bắt đầu theo đuổi nghệ thuật ở độ tuổi 20. Cô tốt nghiệp ngành thiết kế công nghiệp tại Đại học Bucheon ở Bucheon, tỉnh Gyeonggi-do và nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật khi đang làm việc tại một công ty quảng cáo. Sau bốn năm, cô bắt đầu thấy mệt mỏi với công việc.
“Tôi đến cơ quan mỗi ngày nhưng không thể tập trung khi đứng trước giá vẽ chứ đừng nói đến việc đặt bút vẽ. Suốt nhiều tháng, tôi không thể làm gì và thấy cực kỳ tội lỗi và lo lắng. Sau đó, do tự thấy mệt mỏi khi suốt ngày phải chịu đựng những cảm xúc này, tôi quyết định không làm gì cả và những cảm xúc đó biến mất lúc nào không hay, kể cả khi tôi đến cơ quan và không làm gì cả, tôi cũng không còn những cảm giác tồi tệ đó nữa”, cô kể.
Tuy nhiên, vài tháng sau, cô lại thấy lo lắng. Cô tự hỏi lại bản thân và nghĩ về những người đang mắc kẹt trong vòng xoáy bận rộn không hồi kết của cuộc sống.
“Tất cả mọi người xung quanh tôi đều làm việc cực kỳ chăm chỉ và khi thấy họ bận rộn như vậy, tôi thấy không thoải mái và lo lắng về bản thân. Tôi nghĩ, có khả năng họ không muốn rảnh rỗi như tôi nhưng cũng có khả năng họ cũng không thể dừng làm việc vì xung quanh ai cũng có vẻ bận rộn. Tôi đột nhiên nghĩ, sẽ tuyệt vời biết mấy nếu tất cả chúng ta tụ họp lại và chẳng làm gì cả. Ý tưởng "đỡ đẫn" xuất hiện trong đầu tôi một cách vô thức như vậy đó”, cô nhớ lại.
Nghệ sĩ Woopsyang |
Cuộc thi đờ đẫn đầu tiên được tổ chức vào năm 2014. Cuộc thi được xem là biện pháp hay để nâng cao tâm trạng những người bận rộn và truyền đi thông điệp rằng không làm gì cũng không sao cả. Quy tắc cuộc thi rất đơn giản. Người dự thi được chọn sẽ ngồi im trong 90 phút. Người thắng cuộc sẽ được chọn dựa trên tính sáng tạo và kỹ năng họ thể hiện.
Điểm nghệ thuật cho màn trình diễn đờ đẫn đẹp mắt nhất do công chúng bình bầu còn điểm kỹ thuật sẽ được tính dựa trên nhịp tim đo được 15 phút một lần. Trong số 10 người dự thi có điểm nghệ thuật cao nhất, người nào có nhịp tim giảm dần hoặc ổn định sẽ là người chiến thắng.
Trong hơn 90 phút đó, nhà tổ chức sẽ luôn quan tâm đến sức khỏe và an toàn của người dự thi. Khi bước vào khu vực dự thi, người tham gia sẽ nhận số dự thi, hướng dẫn cho người dự thi, thẻ màu và thảm tập yoga. Do cuộc thi cấm trò chuyện trong thời gian thi đấu, người dự thi phải dùng thẻ màu để giao tiếp. Thẻ màu đỏ là để yêu cầu mát-xa, thẻ màu lam để yêu cầu nước uống, thẻ màu đen dành cho trường hợp khẩn cấp hoặc nếu người dự thi muốn bỏ cuộc.
“Tôi nhớ trong Cuộc thi đờ đẫn bên sông Hàn năm 2017, một nhóm người đã tự làm băng rôn lớn cỡ 3x5m kèm dòng chữ "Đỡ đẫn" rồi dùng luôn băng-rôn này làm chăn đắp. Trong Cuộc thi đờ đẫn năm 2018, chúng tôi có một bà mẹ vừa chăm con vừa đi làm đăng ký dự thi. Chị ý muốn "đờ đẫn" thoát khỏi công việc và cảnh chăm con nhưng cuối cùng lại không thể tham dự vì chính những lý do đó”, Woopsyang nhớ lại.
Người thắng cuộc sẽ nhận một chiếc cúp vàng có hình bức tượng “Người suy tư” nổi tiếng của Rodin nhưng đội một chiếc mũ truyền thống. Cuộc thi đờ đẫn đã thu hút được vô số người dự thi cả trong lẫn ngoài nước. Các phiên bản khác của cuộc thi cũng được tổ chức ở Bắc Kinh, Hồng Kông, Đài Bắc, và Rotterdam. Tin tức về cuộc thi độc lạ này cũng được nhiều tờ báo lớn như BBC, Washington Post, Guardian và Chicago Tribute đưa tin.
Cúp vàng cho người chiến thắng. |
Woopsyang tỏ ra ngạc nhiên khi cuộc thi lại có thể trở nên nổi tiếng đến như vậy.
“Lúc đầu tôi thấy lạ khi người nước ngoài cũng có vẻ hứng thú với cuộc thi vì tôi nghĩ người Hàn Quốc chắc hẳn là những người bận rộn nhất thế giới. Thế nhưng một người dự thi đến từ Rotterdam nói với tôi ‘Chúng tôi cũng đang phải sống một cuộc sống bận rộn hơn trước. Chúng tôi cũng làm việc mà không có ngày nghỉ nào’”, cô nói.
Cô hy vọng một ngày nào đó có thể tổ chức Cuộc thi đờ đẫn Toàn cầu để tất cả mọi người trên toàn thế giới chỉ cần ngồi đờ đẫn không làm gì cả trong 10 phút mỗi ngày. Cô khuyến khích mọi người ngồi đờ đẫn với mục đích truyền cảm hứng để mọi người cùng trình diễn tập thể toàn cầu nhằm phá vỡ sự bận rộn đã ăn sâu vào xã hội hiện đại.
“Nhiều người vẫn nghĩ rằng cuộc thi đờ đẫn hoặc không làm gì thật là thảm hại. Với những người đó, tôi muốn nói rằng khi chúng ta làm việc chăm chỉ và kiếm được tiền, chúng ta sẽ tự thưởng cho bản thân những điều xa xỉ nho nhỏ như đi nhà hàng cao cấp và mua quần áo hay thậm chí là đi cà phê. Tôi nghĩ rằng nếu bạn đã làm việc chăm chỉ, bạn có quyền tận hưởng khoảng thời gian đó. Thế nhưng mọi người lại làm nhiều việc hơn vào những khoảng thời gian thư giãn đó. Có một khoảng thời gian xa xỉ để đi cà phê không tuyệt vời sao? Khoảng thời gian xa xỉ đó chính là ngồi đờ đẫn”, cô nói.