Không quân và Lục quân Mỹ bất ngờ tranh cãi nảy lửa về phân bổ ngân sách
Theo yêu cầu ngân sách tài khóa 2022 của Mỹ, lực lượng Không quân sẽ cắt giảm mua sắm đạn tấn công trực tiếp liên hợp (JDAM), tên lửa Hellfire và bom có đường kính nhỏ hơn. Mỹ hiện tập trung đầu tư vào các loại vũ khí tầm xa, hiện đại, được cho là phù hợp hơn cho các hoạt động ở Thái Bình Dương.
Theo đó, Không quân Mỹ dự kiến yêu cầu Quốc hội phê chuẩn ngân sách cho khoảng 1.900 quả đạn JDAM, so với 16.800 quả của năm ngoái. Lực lượng này cũng chỉ dự trù mua 1.176 tên lửa AGM-114 Hellfire trong năm nay, giảm so với 4.517 tên lửa của năm ngoái.
Không quân Mỹ cũng có kế hoạch giảm mua bom đường kính nhỏ SDB I từ 2.462 quả vào năm ngoái xuống 998 quả.
Thay vào đó, Không quân Mỹ đã yêu cầu cấp ngân sách 161 triệu USD để mua 12 tên lửa siêu thanh (ARRW). Bất chấp khoản đầu tư lớn cho ARRW vào năm ngoái, Không quân Mỹ vẫn thất bại trong cuộc thử nghiệm đầu tiên cách đây vài tuần đối với loại tên lửa này.
Không quân Mỹ tự tin làm chủ về vũ khí tầm xa so với Lục quân. Nguồn minh họa |
Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng muốn tăng cường mua sắm tên lửa hành trình tàng hình liên hợp đất đối không (JASSM-ER), một vũ khí tối tân với tầm bắn khoảng 600 dặm (965km).
Ở diễn biến khác, Lục quân, Hải quân Mỹ hiện cũng dành sự ưu ái đặc biệt cho các loại vũ khí tầm xa. Lực lượng này đã biến sáng kiến “hỏa lực chính xác tầm xa” (LRPR) trở thành ưu tiên hiện đại hóa hàng đầu.
Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, các sáng kiến quan trọng đang được thực thi hoặc đang được xem xét gồm Pháo binh tăng tầm (ERCA); Tên lửa tấn công chính xác (PSM); Pháo tầm xa chiến lược (SLRC); Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW); và nâng cấp, cải tiến các tên lửa SM-6 và UGM-109 hiện hành của Hải quân để phóng từ mặt đất.
Phản ứng trước kế hoạch của Lục quân Mỹ, giới chức Không quân Mỹ đã có những phát biểu mang tính mỉa mai.
Cụ thể, tướng Timothy Ray - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ, khẳng định: “Đó là một ý tưởng tồi khi đầu tư từng đấy tiền và tái tạo thứ mà Không quân đã làm chủ”. Ông Ray cũng ca ngợi năng lực của các máy bay ném bom tầm xa của Không quân Mỹ.
Đáp lại những lời châm chọc từ phía Không quân, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng James McConville cho rằng chủ nghĩa địa phương hẹp hòi đang quay lại. Theo ông McConville, các hỏa lực tầm xa trên mặt đất của Lục quân sẽ cung cấp cho các chỉ huy tác chiến nhiều lựa chọn nhân lực bổ sung và gây ra “nhiều khó khăn” cho đối phương.
Tranh cãi giữa Không quân và Lục quân Mỹ được đẩy lên “tầm cao” lý luận khi Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell phát hành một tài liệu hướng dẫn mới với tiêu đề “Tìm hiểu cuộc tranh luận về tấn công tầm xa”, trong đó so sánh tầm bắn, chi phí, khả năng phù hợp với mục tiêu và các thuộc tính khác của tên lửa tầm xa mà Lục quân dự định mua so với những loại đạn dược dẫn đường chính xác do máy bay quân sự của Mỹ chuyển tới.
Theo nghiên cứu, các tên lửa của Lục quân Mỹ sẽ tiêu tốn hàng triệu USD mỗi lần bắn, trong khi máy bay ném bom của Không quân có thể được tái sử dụng hoặc có thể sử dụng các loại vũ khí có chi phí thấp hơn với số lượng lớn.
Báo cáo cho rằng Lầu Năm Góc “nên tìm kiếm các giải pháp tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí thay vì cho phép các sáng kiến quá lãng phí”.
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Lục quân có ý tưởng đúng trong việc theo đuổi hỏa lực tầm xa. Eric Sayers - chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Viện Doanh nghiệp Mỹ (AIE) chuyên về chính sách an ninh châu Á-Thái Bình Dương và công nghệ quốc phòng, nhận định: “Tấn công phân tán trên nhiều mặt trận là một chiến lược đối phó với những lợi thế địa lý và hoạt động quân sự của Trung Quốc. Tôi ủng hộ chiến lược này, trong đó các binh chủng phối hợp chồng chéo khiến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gặp khó khăn khi không biết cần ưu tiên nhắm vào mục tiêu trên không, trên bộ, trên biển hay ngầm dưới đất”.