Khái niệm 'Made in Vietnam' vẫn còn nhiều khúc mắc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trực tiếp ghi nhận và giải đáp những góp ý về Thông tư "made in Vietnam". Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc thiếu vắng các quy định như thế nào thì một sản phẩm được coi là “sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” (Make in Vietnam) đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm.
Cũng theo ông Hải: “Trên thực tế, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử”.
Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, việc xác định hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu 30% để khẳng định là sữa “made in Vietnam” rất khó, do mặt hàng sữa phải nhập khẩu nguyên liệu rất nhiều. Tuy nhiên, công thức, dây chuyền sản xuất… lại do doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, chỉ khi nào sữa bột sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam có giá trị nguyên liệu nhập khẩu thấp hơn 30% thì mới nên ghi xuất xứ Việt Nam, còn lại nên ghi xuất xứ khác. Sau này nếu quy định cho phép ghi nhãn mở rộng thì sẽ cụ thể hơn. Ví dụ, “sữa bột được sản xuất tại Việt Nam, nhập khẩu X% nguyên liệu từ thị trường Y…”.
"Xuất xứ Việt Nam là hàng hoá Việt Nam”, tức là có thể hiểu xuất xứ tại Việt Nam là hàng hoá Việt Nam hoặc hiểu ngược lại hàng hoá Việt Nam là xuất xứ Việt Nam hay không? |
Đại diện VCCI đưa ra một số quan điểm như: Việc xác định nhãn mác cho hàng hoá đã có Nghị định 43 điều chỉnh, nhưng bản dự thảo Thông tư có Điều 3 nói đến khái niệm “xuất xứ Việt Nam là hàng hoá Việt Nam”, tức là có thể hiểu xuất xứ tại Việt Nam là hàng hoá Việt Nam hoặc hiểu ngược lại hàng hoá Việt Nam là xuất xứ Việt Nam hay không?
Đại diện, VCCI cũng đặt vấn đề về việc hàng hoá được phép thể hiện xuất xứ Việt Nam trên nhãn mác nhưng nếu không dùng thì có được sử dụng những cụm từ như “sản phẩm Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam” hay không? Bên cạnh đó, VCCI cho rằng, những khái niệm đưa ra trong Thông tư mới chỉ quy định với hàng hoá xuất khẩu chứ không bao gồm hàng hoá lưu thông trong lãnh thổ Việt Nam.
Trả lời đại diện VCCI, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Ban soạn thảo cho rằng hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá lưu thông trong nước có khác nhau. Hàng hoá lưu thông trong nước còn liên quan đến việc tiếp thị sản phẩm bên cạnh việc ghi nhãn xuất xứ, ví dụ như hàng hoá sản xuất tại địa chỉ nào sẽ không cần ghi xuất xứ nữa, trong những quy định trước đây đã cho phép DN thực hiện điều nay. Tuy nhiên với Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hoá không cho phép ghi như vậy mà bắt buộc DN phải ghi xuất xứ.
Với quy định các cụm từ “chế tạo, sản xuất, chế tác…”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, dự thảo Thông tư không hoàn toàn quy định xuất xứ mà quy định như thế nào là hàng Việt Nam và như thế nào là xuất xứ của Việt Nam. Với vấn đề VCCI nêu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và khắc phục.
Về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, Thứ trưởng Khánh cho biết sẽ áp dụng thống nhất bởi nếu chỉ áp dụng cho hàng hoá sản xuất tại Việt Nam mà không áp dụng với hàng hoá nhập khẩu thì khi vi phạm sẽ rất khó xử lý.
“Việc ghi hay không ghi nhãn hàng hoá là không bắt buộc. Nếu DN nhập khẩu hàng hoá chưa chắc chắn về xuất xứ hàng hoá, họ có thể dán nhãn theo hiểu biết của họ. Còn nếu đã dán nhãn “made in Vietnam” thì bắt buộc phải theo những quy định trong Thông tư này”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.