Khắc hoạ không gian sống của người di cư qua ảnh
Đây là sự kiện nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam và có ý nghĩa đặc biệt với Eddie Ryan - nhiếp ảnh gia người Ireland. Trước khi tới Việt Nam từ cuối năm 2022, ông đã có hơn 10 năm sống tại liên bang các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Đây cũng là nơi ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh. Tại không gian nhiếp ảnh của Matca (Hà Nội), Eddie Ryan đưa ra cho người một hình ảnh khác lạ về vùng đất Trung Đông này. Những bức ảnh không có sự hiện diện của những tòa nhà chọc trời, tân tiến hay những trung tâm mua sắm sầm uất, xa xỉ.
|
Eddie cho biết, "Trọng lực vạn vật" tập trung vào những thứ gần gũi, cá nhân hơn như khu chung cư mà Eddie đã ở khi sống và làm việc tại UAE hay những vật dụng đời thường và nhỏ bé mà ông bắt gặp ở những nơi tập trung đông dân di cư. Trong một thời gian dài, ông đã dành nhiều thời gian quan sát nơi mình sống và ghi lại sự tương tác của con người với không gian và sự vật xung quanh. Qua đó, trải nghiệm thị giác sẽ gây cảm giác tò mò về câu chuyện phía sau và khơi gợi góc nhìn đa chiều.
"Tôi luôn quan tâm đến chủ đề người nhập cư và di cư trong nhiếp ảnh và khi đến sống ở nơi mà phần lớn dân số là người nhập cư, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu về cách sống và những câu chuyện xung quanh những thành phần dân cư khác nhau. Những gì tôi ghi lại là những trải nghiệm không chỉ của cá nhân mà cả của những người xung quanh", Eddie nói.
Theo nhiếp ảnh gia người Ireland, việc các tác phẩm trưng bày không cùng chung một kích cỡ hay khuôn khổ và không được sắp xếp thẳng hàng với nhau là sự sắp đặt làm cá tính riêng của từng bức ảnh. Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng rất khác nhau và vẻ đẹp của sự đa dạng luôn thể hiện ở khắp mọi nơi.
Một bức ảnh trong triển lãm có sự hiện diện của con người (Ảnh: Matca). |
"Bạn có thể thấy trong những bức ảnh sự dẫn dắt có sự gián đoạn, không liền mạch thời gian. Nhưng sau khi tôi sắp xếp chúng lại với nhau, có những đường dây chăng ở ảnh này nối tiếp với một viên gạch dùng để chặn ở ảnh kia. Ngoài ra, để kể một câu chuyện qua ảnh, sự vận dụng ánh sáng rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định", Eddie cho biết.
Tuy ưu tiên sự linh hoạt nhưng Eddie kiên định với một nguyên tắc khi cầm máy là không chụp ảnh người khác cũng như không trưng bày ảnh có người dưới mọi hình thức nếu không có sự đồng ý của họ. Đây là điều Eddie hết sức tuân thủ khi sống tại UAE. Dần dần, ông coi "thử thách" đó là một cơ hội để tăng khả năng sáng tạo trong nhiếp ảnh.
Sự hiện diện của con người trong ảnh được người nghệ sĩ thể hiện một cách trừu tượng (Ảnh: Matca). |
"Ở UAE, trước khi chụp hình một ai đó, tôi sẽ hỏi họ và chỉ có thể chụp cũng như lưu lại bức ảnh khi được họ cho phép. Từ việc phải nghĩ làm thế nào để chụp ảnh không có người, tôi dần tìm ra cách để khắc hoạ câu chuyện của con người mà không có họ trong ảnh", Eddie nói.
Chia sẻ với Thời Đại về những kỷ niệm thú vị khi "di cư lập nghiệp", Eddie cho rằng những cơ hội liên tiếp mở ra cho ông khi chăm chỉ theo đuổi đam mê nhiếp ảnh một cách nghiêm túc, cả khi đã ngoài 50.
Khắc hoạ không gian sống của người di cư qua ảnh (Ảnh: Matca). |
Ông kết hợp việc học các lớp kỹ thuật chụp hình với việc thực hành ở mọi lúc mọi nơi, cũng như tìm kiếm những cộng đồng nhiếp ảnh chung sở thích. Bên cạnh một công việc ưng ý, UAE đã cho ông những thành công đầu tiên trong nghệ thuật, như nhiều lần tham dự các triển lãm nhiếp ảnh nhóm ở Dubai và Sharjah.
Được biết "Trọng lực vạn vật" là triển lãm cá nhân đầu tay và cũng là lời tạm biệt Eddie gửi đến với vùng đất mà ông đã gắn bó nhiều năm. Điểm lại những dấu mốc quan trọng gắn liền với UAE từ 2017 đến nay, ông cho rằng mình đã có được một hành trình sống với đam mê. Eddie cảm thấy hạnh phúc khi bắt đầu giai đoạn tiếp theo tại Hà Nội và đang tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tạo mới từ nhịp sống ở đây.
Triển lãm được trưng bày tại không gian nhiếp ảnh Matca (Hà Nội) đến hết 31/7/2023 (Ảnh: Matca). |
Ông Jon Kuiter (người Anh, sống và làm việc tại Hà Nội) cho rằng "Trọng lực vạn vật" đã đem lại trải nghiệm nghệ thuật thị giác mới lạ.
"Cách mà nhiếp ảnh gia cảm nhận về UAE thật khác biệt. Nhờ đó, tôi được truyền cảm hứng bởi khả năng quan sát và nhận ra những phép ẩn dụ từ những điều ông nhìn thấy hàng ngày. Ngay ở Việt Nam, có thể thấy những phép ẩn dụ ở khắp nơi, có những hàng quán, tiệm cắt tóc vỉa hè, những người phụ nữ với những xe đạp chở hoa, những gánh hàng rong...", Jon chia sẻ cảm nhận sau khi tham gia buổi trò chuyện với tác giả.