Iskander Nga gây kinh ngạc với màn tấn công mục tiêu "bách phát bách trúng"
Hình ảnh được hãng RIA Novosti công bố cho thấy hệ thống Iskander đã tấn công ít nhất 4 mục tiêu kiên cố được phiến quân sử dụng làm căn cứ với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Hiện không rõ địa điểm cụ thể diễn ra vụ tấn công. Tuy nhiên, căn cứ vào hình ảnh được công bố, giới chuyên gia cho rằng, Iskander Nga sử dụng không phải là bản Iskander-M (chỉ trang bị tên lửa đạn đạo) thường thấy mà là phiên bản Iskander-K.
Những phát bắn chính xác đến kinh ngạc của Iskander. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga |
Iskander-K là tổ hợp tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.500 km, sử dụng chung bệ phóng với tên lửa đạn đạo Iskander-M. Mỗi xe chuyên chở và bệ phóng (TEL) mang được hai quả đạn, ống chứa sẽ được dựng thẳng đứng trước khi khai hỏa.
Tổ hợp Iskander-K sử dụng tên lửa R-500, phát triển từ nền tảng phiên bản RK-55 được Liên Xô ra mắt năm 1987. Nguyên mẫu R-500 đầu tiên được bắn thử vào năm 2007 và đưa vào biên chế sau đó hai năm.n Phiên bản R-500 trang bị đầu đạn thông thường nặng 500 kg được Nga đưa vào trực chiến từ năm 2013. Tuy nhiên, phải tới năm 2018, Moscow mới triển khai biến thể R-500 trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Tên lửa R-500 có độ cao bay hành trình 6.000 m, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu và khớp ảnh địa hình để dẫn đường. Khi tới gần khu vực mục tiêu, nó sẽ tự động hạ độ cao xuống còn 50-150 m để tránh bị phát hiện, giảm nguy cơ bị đối phương đánh chặn.
Tên lửa R-500 có độ chính xác cao, đủ sức đánh trúng vòng tròn bán kính 5m hoặc mục tiêu đang di chuyển nhờ khả năng cập nhật dữ liệu trong khi bay. Xe có thể phóng đạn trong vòng 16 phút từ khi ngừng hành quân, hoặc chỉ cần 4 phút trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Giãn cách giữa hai lần phóng chỉ chưa đầy một phút.
Hệ thống Iskander-K có thể rời trận địa chỉ vài phút sau khi khai hỏa, khiến đối phương không kịp phát hiện và đánh trả sau khi khai hỏa.
Được biết, trước khi Nga công bố hình ảnh về sức mạnh của Iskander, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã gây bất ngờ khi tuyên bố dòng tên lửa đạn đạo này không chính xác như tuyên bố bởi có đến 10% đánh lệch mục tiêu trong xung đột Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, tin này sau đó đã bị Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận.