Học sinh Việt Nam trò chuyện với cựu phi hành gia của NASA
Điều nguy hiểm nhất của phi hành gia là gì? Khi có sự cố bất ngờ phi hành gia xử lý thế nào?... là câu hỏi được các em học sinh đặt ra cho ông Michael Baker, cựu phi hành gia của NASA. Ông Baker đã có 965 giờ bay ngoài không gian. Khi không tham gia các chuyến bay vào vũ trụ, ông đảm nhận nhiều chức vụ khác tại NASA, bao gồm CapCom (người giữ liên lạc với tàu) trong 11 sứ mệnh tàu con thoi, trợ lý giám đốc của Trung tâm vũ trụ Johnsoncho các chương trình bay vào vũ trụ có người lái…
Theo ông Baker, đi bộ ra ngoài không gian là nguy hiểm nhất đối với phi hành gia. Bởi phi hành gia phải thoát ra khỏi phi thuyền tàu con thoi, nếu không tuân thủ các quy trình, kỹ thuật sẽ dễ gặp các rủi ro về tính mạng, sức khỏe. Do vậy, khi tham gia vào công việc này, ngoài tuân thủ các quy trình, chuẩn bị kỹ lưỡng, phi hành gia còn phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Đó là sự dũng cảm của phi hành gia khi đảm nhận công việc du hành vào vũ trụ.
Ông Michael Baker, cựu phi hành gia của NASA chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm khi làm việc trên không gian (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định). |
Trong quá trình huấn luyện, các phi hành gia thường được trau dồi 3 tình huống xử lý sự cố theo mức khác nhau. Đó là xử lý khẩn cấp, không khẩn cấp hoặc cần sự hỗ trợ. Để tránh những rủi ro trên, thường mỗi chuyến bay không gian ở dưới mặt đất sẽ có bộ phận hỗ trợ với khoảng 1.000 nhân lực để thường xuyên kết nối thông tin liên lạc lên với phi hành gia. Trong trường hợp có sự cố, việc đầu tiên của phi hành gia là gửi thông điệp về phía mặt đất để các đội ngũ chuyên gia đưa ra những tư vấn. Quy trình rất là chặt chẽ, song bản thân phi hành gia phải có sự trang bị, chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi thứ để có thể xử lý được.
“Bây giờ, Trạm Không gian Quốc tế đã có kết nối Internet, phi hành gia có thể dùng điện thoại để liên lạc với mọi người từ mặt đất. Có Internet thì quá trình giao tiếp giống như chúng ta ở mặt đất. Khá là thuận tiện so với trước”, ông Baker cho biết.
Ông cũng chia sẻ nhiều bức ảnh với những góc nhìn Trái đất từ Mỹ, Cuba đến Trung Quốc, Singapore và cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam… được ghi lại qua hành trình vào vũ trụ của mình.
TS Josef Schmid là phẫu thuật gia và bác sĩ gia đình của NASA ở Trung tâm không gian Johnson, Houston, Texas. Bệnh nhân của ông là các phi hành gia và các thành viên của gia đình họ, các kỹ sư, phi hành gia về hưu, gồm những người từ các chương trình Gemini và Apollo. Chia sẻ về cảm xúc khi lần đầu bay vào không gian, vũ trụ, Josef Schmid cho rằng: Khi phi công điều khiển tàu con thoi lộn nhào, đảo ngược và bay nhiều kiểu khác nhau, đó là cảm giác làm tôi sợ hãi nhất. Tuy nhiên, nhờ “tháp tùng” với các phi công trong điều kiện như vậy, đã giúp ông quên đi nỗi sợ khi bay trong không gian.
Tại buổi giao lưu, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Tuần lễ NASA tại Việt Nam - VIETNAM SPACE WEEK là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên của tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung tìm hiểu thêm về quá trình cống hiến các phi hành gia cho khoa học. Đó là những con người hi sinh không biết mệt mỏi cho hành trình khám phá và chinh phục không gian, họ chính là tấm gương sáng, là động lực, là niềm cảm hứng đại diện cho trí tuệ của con người trong việc khám phá những thành tựu mới cũng như giải đáp những câu hỏi mà nhiều thế hệ loài người chưa trả lời được.
Ông cho rằng, Bình Định vùng đất của địa linh nhân kiệt, cái nôi sinh ra nhiều người tài giỏi làm rạng danh đất nước chắc chắn một ngày không xa sẽ có các bạn trẻ trở thành tấm gương sáng cho những thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước trên con đường chinh phục không gian.
Tuần lễ NASA là sự kiện hàng năm nhằm nêu bật những thành tựu và đóng góp của NASA trong việc khám phá không gian, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với các hoạt động do NASA và các đối tác của NASA tổ chức. Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại một nước Đông Nam Á và Bình Định vinh dự là 1 trong 3 tỉnh, thành phố được chọn làm nơi diễn ra một số sự kiện của Tuần lễ NASA. Chương trình diễn ra trong hai ngày (8-9/6/2023) với các hoạt động chính là: trò chuyện với phi hành gia; NASA STEM DAY và Khám phá bầu trời đầy sao - Starry Night. Tuần lễ NASA tại Việt Nam hướng tới mục tiêu truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về các câu chuyện của phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt trên không gian, vũ trụ; chia sẻ về những nghiên cứu khoa học làm sao bảo vệ trái đất, tránh ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro va chạm với các hành tinh khác, sự sống ngoài trái đất và người ngoài không gian...; qua đó giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ; và tổ chức hoạt động giáo dục STEM - NASA STEM DAY cho thanh thiếu niên. |