NASA lùi thời điểm đưa người trở lại Mặt Trăng
Cờ Mỹ được cắm trên Mặt trăng, nhìn tử cửa sổ mô-đun Luna. Ảnh: NASA/AP |
Khi thông báo về sự chậm trễ, Giám đốc NASA, Bill Nelson, cho biết Quốc hội Hoa Kỳ đã không cung cấp đủ tiền để phát triển hệ thống hạ cánh cho chương trình Mặt Trăng Artemis và NASA cần nhiều tiền hơn cho tàu Orion.
Ngoài ra, một thách thức pháp lý với công ty tên lửa tư nhân của tỉ phú Jeff Bezos, Blue Origin, đã làm đình trệ công việc trong nhiều tháng trên hệ thống hạ cánh trên Mặt Trăng Starship do SpaceX của Elon Musk phát triển.
Theo các quan chức, công nghệ cho các bộ quần áo vũ trụ mới cũng cần được phát triển mạnh mẽ, trước khi các phi hành gia có thể quay trở lại Mặt Trăng.
Trước đó, NASA đã đặt mục tiêu thực hiện cuộc đổ bộ lên mặt trăng đầu tiên của các phi hành gia sau nửa thế kỷ vào năm 2024.
Hiện NASA vẫn đang nhắm mục tiêu vào tháng 2/2022 cho vụ phóng thử nghiệm đầu tiên của tên lửa Mặt Trăng, Hệ thống Phóng Không gian, hay SLS, với một khoang tàu Orion. Sẽ không có ai trên tàu, thay vào đó, các phi hành gia sẽ tham gia chuyến bay Artemis thứ hai, bay vượt qua Mặt Trăng nhưng không hạ cánh vào năm 2024.
Theo ông Nelson, kế hoạch đó sẽ đẩy cuộc hạ cánh lên Mặt Trăng tới ít nhất là năm 2025.
“Hệ thống hạ cánh mang theo con người là một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi để đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên bề mặt Mặt trăng và chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để lên đường. NASA cam kết giúp khôi phục vị thế của Mỹ trên thế giới”, Giám đốc NASA Nelson nói với các phóng viên.
Liên quan vấn đề, cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ cũng đang yêu cầu ngân sách lớn hơn cho các tàu Orion của mình, từ 6,7 tỷ USD tăng lên 9,3 tỷ USD, với lý do là đại dịch COVID-19 gây trì hoãn và thiệt hại do bão với Cơ sở lắp ráp Michoud của NASA ở New Orleans, nơi sản xuất chính tên lửa SLS và tàu Orion. Chỉ riêng chi phí phát triển tên lửa phục vụ chuyến bay Artemis đầu tiên vào năm tới đã là 11 tỷ USD.