Hoạt động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Trưởng ban tổ chức cho biết, tọa đàm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN (1992-2022) và Hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương GHPGVN.
Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu khai mạc tọa đàm (Ảnh: Giác Ngộ). |
Mục đích của tọa đàm nhằm đưa ra những định hướng, chương trình mục tiêu trong nhiệm kỳ tới (2022-2027) cho các hoạt động đối ngoại của GHPGVN trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng; không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe các bài tham luận: GHPGVN xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa GHPGVN với Liên minh Phật giáo Lào và Tăng già Phật giáo Vương quốc Campuchia; Những đóng góp của GHPGVN trong sự nghiệp chăm lo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Phật giáo Việt Nam và Cộng đồng người Việt Nam tại Lào; Hoạt động đối ngoại của Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản; Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc đồng hành cùng dân tộc; Nội dung hoạt động, phương thức quản lý và phát triển của Hội Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ; Vai trò các tổ chức Phật giáo quốc tế trong xã hội đương đại...
Trình bày tham luận "Những thành tựu của GHPGVN trong hoạt động giao lưu và đối ngoại nhân dân thời kỳ hội nhập quốc tế", bà Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: GHPGVN đã tích cực mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, đã tham gia sáng lập và là thành viên nòng cốt trong các cơ chế đa phương, song phương của Phật giáo thế giới (như Liên minh Phật giáo thế giới, Hội Phật giáo Thế giới truyền bá Chánh pháp, Hội đệ tử Như Lai Tối thượng, Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc…).
GHPGVN đã đăng cai tổ chức đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2008, 2014 và 2019 thành công tốt đẹp với sự hiện diện của tăng ni đến từ gần 112 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới; đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI các năm; tổ chức các đoàn GHPGVN đi thăm viếng Phật giáo các nước; tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế để trao đổi kiến thức và giao lưu học thuật trên các diễn đàn Phật giáo quốc tế…
Đặc biệt, GHPGVN là một thành viên chủ động, tích cực, đạt nhiều thành tựu lớn, có nhiều đóng góp quý báu trong công tác đối ngoại nhân dân.
Bà Nguyễn Phương Nga trình bày tham luận tại tọa đàm (Ảnh: Giác Ngộ). |
Theo bà Nguyễn Phương Nga, các hoạt động giao lưu và đối ngoại nhân dân của GHPGVN đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước; tăng cường giao lưu văn hóa, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về lịch sử, tín ngưỡng văn hóa, tôn giáo, đất nước và con người Việt Nam; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời phát huy vai trò của phật giáo trong việc huy động nguồn lực cho các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Thay mặt Trung ương GHPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và cho biết sẽ đưa vào phương hướng hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ tới.
Trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, GHPGVN đã tổ chức hàng trăm đoàn của Giáo hội, các Ban, Viện, Ban Trị sự các địa phương, các Học viện Phật giáo Việt Nam, các cơ sở đào tạo, cơ sở tự viện đi thăm viếng Phật giáo các nước nhằm tăng cường tình hữu nghị và làm sâu sắc mối quan hệ quốc tế; tham dự các hội thảo Phật giáo quốc tế, chia sẻ, trao đổi, giao lưu về mặt học thuật trên diễn đàn Phật giáo quốc tế và học hỏi kinh nghiệm tu tập, hoằng pháp, và phục vụ nhân sinh. GHPGVN cũng đón tiếp nhiều đoàn Phật giáo các nước đến thăm hữu nghị và giao lưu với Giáo hội, các Học viện Phật giáo Việt Nam và cơ sở tự viện. Đồng thời, Giáo hội đón tiếp nhiều vị nguyên thủ, lãnh đạo các nước đến thăm viếng như Tổng thống Mỹ (2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào (2019), Tổng thống Myanmar, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Thủ tướng Nepal, Chủ tịch Thượng viện Bhutan (2019), Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ (2022). GHPGVN tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc lần thứ 3 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (2019), với sự tham dự của 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các hoạt động giao lưu quốc tế của GHPGVN vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục thông qua hội thảo trực tuyến online. GHPGVN tham gia cứu trợ nhân đạo quốc tế như ủng hộ chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal tiền, vật tư y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 trị giá hơn 20 tỷ đồng. Giáo hội đã thành lập Ban Điều phối GHPGVN tại Lào, nâng số Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài lên đến 22 hội ở các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, CH Séc, Ba Lan, Ukraina, Hungary, Đức, Nga, Mozambique, Angola; Hoa Kỳ. Đồng thời, Giáo hội đã thiết lập mối liên lạc thường xuyên hướng dẫn tăng ni, Phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. |