“Hoàng tử bé” đến Việt Nam bằng cả văn học, âm nhạc và mỹ thuật
Buổi họp báo chương trình biểu diễn âm nhạc "Hoàng tử bé" (Ảnh: Quốc Khánh). |
Phát biểu tại họp báo ngày 20/6, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết, buổi hòa nhạc “Hoàng tử bé” là sự kết hợp hài hòa của ba yếu tố: văn học, âm nhạc và mỹ thuật, từ đó hứa hẹn tạo nên một chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Ông Nicolas Wanery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam (Ảnh: Quốc Khánh). |
“Hoàng tử bé” xuất bản năm 1943, là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Đến nay cuốn sách đã bán được hơn 200 triệu bản trên khắp thế giới và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Ngoài ra, “Hoàng tử bé” còn được chuyển thể thành nhiều loại hình khác nhau như phim, phát thanh, thu âm... |
Lấy cảm hứng từ nguyên tác “Hoàng tử bé” của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry và truyện tranh chuyển thể cùng tên của nghệ sĩ Joann Sfar, nhà soạn nhạc Marc - Olivier Dupin đã sáng tác một nhạc phẩm cho dàn nhạc giao hưởng. Ông cho biết bản thân có kinh nghiệm nghiên cứu chuyển thể nhiều tác phẩm văn học trước đây như Monte Cristo, Nana… Vậy nên ông gần như không gặp trở ngại trong việc sáng tác nhạc kịch dựa trên nội dung câu chuyện “Hoàng tử bé”.
Tuy nhiên theo ông Dupin, khó khăn nằm ở chỗ “Hoàng tử bé” là một tác phẩm rất dài nên không thể chuyển thể toàn bộ. “Tôi phải sắp xếp để thời lượng biểu diễn dưới 1 tiếng phù hợp với đối tượng khán giả là các em học sinh. Tôi chỉ lựa chọn một số trích đoạn nhất định và cái khó ở đây là phải làm sao kết hợp những trích đoạn đó một cách mượt mà nhưng vẫn giữ được ý nghĩa tổng thể của câu chuyện.” – ông Dupin chia sẻ.
Ông Marc - Olivier Dupin (áo đen), nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng người Pháp (Ảnh: Quốc Khánh). |
Về phần hình ảnh, Marc - Olivier Dupin đã chọn ra khoảng 240 trong tổng số hơn 600 bức vẽ để trình chiếu trong buổi hòa nhạc. Đây không phải là những bức ảnh tĩnh hoàn toàn mà dưới sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, chúng sẽ có những chuyển động nhỏ giúp bức tranh trở nên sinh động hơn. Còn về lời thoại, ông trung thành hoàn toàn với lời thoại của nguyên tác, không có bất kỳ sự thay đổi nào.
Việc kết hợp hài hòa phần nhạc với hình ảnh và lời dẫn truyện cũng là thách thức đòi hỏi một quá trình luyện tập lâu dài. Phần nhạc không được chơi liên tục mà sẽ sắp xếp nhiều khoảng chờ xen kẽ với lời dẫn truyện và hình ảnh. Vậy nên các nhạc công sẽ đánh số tranh lên bản nhạc để theo đó điều chỉnh tiết tấu một cách hợp lý.
Chương trình hòa nhạc nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 80 năm ngày phát hành cuốn sách “Hoàng tử bé”. Đây là lần đầu tiên tác phẩm được trình diễn và kết hợp với dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam. Trước đó, tác phẩm đã được trình diễn ở một số quốc gia như Pháp, Thụy Sĩ… và sắp tới sẽ được trình diễn tại Đức và Anh. |
Cùng trong khuôn khổ chương trình, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Tetsuji Honna, tác phẩm “Se chi luồn kim” - bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam với phần phối khí của nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng cùng hai tác phẩm “L'Introduction et Rondo capriccioso” cung La thứ của Camille Saint-Saëns và “Khúc suy tưởng” trích từ vở opera “Thais” của Jules Massenet sẽ được trình diễn bởi dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và tiếng đàn violon của nghệ sĩ Bùi Công Duy.