Hoàn thiện luật pháp bảo vệ người chưa thành niên trên không gian mạng
Bảo vệ bí mật riêng tư và thông tin cá nhân
Báo chí hiện nay vẫn tự do đưa thông tin cá nhân, vấn đề riêng tư đặc biệt của NCTN, trong đó thông tin về chỗ ở, địa chỉ của trẻ như trường hợp trẻ em bị bạo hành tại Thái Bình. Dù việc đưa thông tin được bố mẹ em đồng ý nhưng chính họ cũng chưa nhận thức được việc để lộ thông tin của trẻ trên mạng có thể dẫn đến việc bị kẻ xấu lợi dụng. Việc một số cha mẹ đăng tải hình của trẻ trên các trang mạng xã hội có thể dẫn đến việc kẻ xấu lợi dụng các hình ảnh, thông tin này xâm hại trẻ hay công bố các hình ảnh, thông tin này cho kẻ khác sử dụng vì mục đích xấu.
Trong một số trường hợp, trẻ em chính là đối tượng đăng tải những thông tin cá nhân của mình mà không lường được hậu quả. Những thông tin này được lưu trên mạng xã hội giống như một hồ sơ cá nhân, có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ khi các nhà tuyển dụng tìm kiếm thông tin ứng viên hoặc kẻ xấu lợi dụng để dụ dỗ trẻ.
Bảo vệ người chưa thành niên trên không gian mạng cần sự vào cuộc của các cấp (Ảnh minh họa). |
Một số Youtuber xây dựng các clip về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của đối tượng yếu thế trong xã hội nhằm quyên góp của cộng đồng mạng hay nhằm “câu like”, “câu view” trên mạng xã hội. Việc NCTN và trẻ em bị xâm hại tình dục được các Youtuber này đăng tải trên mạng xã hội không bao giờ mất đi mà tồn tại vĩnh viễn trên không gian mạng, dẫn tới nguy cơ trẻ lớn lên và mang theo những thông tin tổn thương đó.
Nghị định 56/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã có các qui định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (chương V), trong đó Điều 36 có qui định các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo qui định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. |
Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 có qui định về chế tài đối với người làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy. Tuy nhiên, mức phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù phụ thuộc vào dung lượng của dữ liệu số hoá, số lượng ảnh, sách báo in vật phẩm, số lượng người phố biến hoặc trường hợp tái phạm.
Với tốc độ và sự phát triển của công nghệ, qui định này đã còn không phù hợp. Việc cố tình hay vô tình lưu giữ, truyền tải một bức ảnh xâm hại của trẻ em đã gây tác động và hậu quả không lường trước được với một cá nhân, đặc biệt là trẻ em.
Bên cạnh đó, qui định này chưa rõ ràng về việc tải xuống, lưu trữ các hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Việc các hình ảnh khiêu dâm trẻ dù vô tình hay hữu ý được lan truyền trên mạng cũng có nguy cơ làm ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý của trẻ bị phát tán hình ảnh, do vậy không cần phải tính đến số lượng hình ảnh mà cần coi đây là hành vi cần phải nghiêm cấm.
Một số văn bản qui phạm pháp luật khác cũng đưa ra các biến pháp để giám sát, phát hiện và điều tra các hành vi vi phạm trong quá trình lư truyền, lưu trữ thông tin số, tạo cơ sở bảo đảm NCTN trên không giam mạng (Luật Công nghệ thông tin, (Điều 16, Điều 20;Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Điều 24, 25);Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT (Điều 4).
Mặt khác, hiện nay các thông tin độc hại vẫn liên tục được lan truyền trên các mạng xã hội. Cụ thể gần đây, xuất hiện Youtuber xây dựng các clip có nội dung bạo lực để tăng lượng view (Timmy TV) và nội dung mê tín dị đoan đối với trẻ (Thơ Nguyễn) hay group kín “Hội nói xấu cha mẹ” trên Facebook làm cho trẻ có nhận thức lệch lạc về các chuẩn mực, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trên thế giới, Youtuber Cá Voi Xanh khuyến khích trẻ tự làm tổn thương mình bằng cách thực hiện các thử thách nguy hiểm trong đó có việc tự tử, nhiều trường hợp trẻ đã thực hiện theo và mất mạng.
Luật Trẻ em (Điều 33) và Luật Công nghệ thông tin (Điều 73) qui định về quyền được tiếp cận thông tin của trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và nhà trường bảo vệ trẻ em không bị tác động tiêu cực của thông tin trên môi trường mạng có. Tuy nhiên, khái niệm “thông tin có hại” vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Cần có qui định rõ về khái niệm “văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em” theo nghĩa rộng như trong Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (OPSC) và bao gồm cả những hình ảnh ảo, những sự trình bày về trẻ em mang tính bóc lột tình dục mà không nhất thiết phải sử dụng trẻ em thật để sản xuất những hình ảnh đó.
Việt Nam đã đặt ra yêu cầu tuân thủ hệ thống phân loại và cảnh cáo nội dung cho người sử dụng CNTT&TT song chưa có bất kỳ qui định nào đối với lĩnh vực CNTT&TT phải sử dụng công nghệ xác thực độ tuổi để hạn chế trẻ em tiếp cận những nội dung hay văn hóa phẩm chỉ dành cho những người ở một độ tuổi nhất định. Hiện chưa có “đường dây nóng” để trẻ em và có thể thông báo về những nội dung xấu trên Internet và chưa có chế độ “thông báo và gỡ bỏ” đối với văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.
Bảo vệ trẻ trước hành vi bắt nạt trực tuyến
Việc trẻ đi bắt nạt và bị bị bắt nạt trên môi trường mạng đang là vấn đề phổ biến hiện nay tại trường học. Trẻ em sử dụng mạng xã hội trong việc cô lập, nói xấu bạn bè, dẫn đến các vụ việc đau lòng như trẻ buồn bã, tìm đến hành vi tiêu cực như tự tử, tự làm đau chính mình. Việc em bé 13 tuổi tại Long An uống thuốc sâu tự tử vì bị bạn bè tẩy chay, cô lập vào tháng 3/2021 là là một ví dụ điển hình.
Luật pháp Việt Nam chưa có qui định rõ ràng về bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trực tuyến. Tuy nhiên, đã có qui định các biện pháp xử phạt hành chính và hình sự đối với hành vi xâm phạm danh dự và nhân phẩm của người khác. Cần phải qui định cụ thể hơn để bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trực tuyến với các biện pháp nâng cao nhận thức về an toàn CNTT&TT để giúp trẻ em trở thành những công dân số có trách nhiệm và biết tôn trọng người khác và cung cấp cho các em những kỹ năng để đấu tranh chống lại hành vi bắt nạt và tự bảo vệ chính mình; và một cơ chế dễ dàng tiếp cận để trẻ em và cha mẹ thông báo và yêu cầu gỡ bỏ những nội dung bắt nạt trực tuyến.
Theo báo cáo số liệu của UNICEF, thế giới có khoảng 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi, người chưa thành niên, trẻ em thành nhóm đối tượng dễ tổn thương có dân số lớn nhất trong xã hội. Vấn đề sử dụng Internet, công cụ trực tuyến để tấn công, lạm dụng tình dục người chưa thành niên, tình dục trẻ em đang trở thành vấn nạn không chỉ của bất kỳ một quốc gia nào mà đó là cuộc chiến của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Theo báo cáo khảo sát của MSD, tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ tham gia khảo sát sử dụng Internet hơn một tiếng/ngày; 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng Internet từ 1-3 tiếng/ngày; 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 50,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận Internet với bố mẹ/người thân và 30,4% bố mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng Internet của trẻ. |