Hãy tận dụng thế mạnh tính cách của người Việt để phát triển
GS.TSKH.NGND Vũ MInh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (bên phải) đang trò chuyện với PV Thời Đại |
Dùng người tài là then chốt
2021 là năm đầu trong thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, điều gì làm ông trăn trở nhất về sự phát triển của quốc gia?
Có thể ví hình ảnh Việt Nam trong năm 2021 là chúng ta đang ở giai đoạn mà sự chuẩn bị cho thời kỳ cất cánh đã cơ bản hoàn tất. Đã có đường băng, có máy bay, có phi công... Nhưng vẫn đang trong quá trình lăn bánh thì vẫn chỉ là chuẩn bị cất cánh mà thôi. Điều tôi mong mỏi là thập niên thứ 3 của thiên niên kỷ thứ 3 này Việt Nam chúng ta sẽ thực sự cất cánh và đó là giai đoạn rất khác với giai đoạn trước. Mặc dù giai đoạn nào cũng quan trọng nhưng giai đoạn cất cánh chúng ta phải đối diện với nhiều thách thức lớn, và không được phép sai sót.
Để không rơi vào cảnh “Sai một li đi một dặm” theo ông ta cần phải lưu tâm nhất những vấn đề gì?
Trước tiên chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa trình độ và năng lực của người lãnh đạo, tăng cường chất lượng của nguồn nhân lực lao động và chính sách có thể đáp ứng với nhu cầu hội nhập của quốc tế. Có một ý tôi muốn nhấn mạnh là nguồn lực tinh hoa phải được chú trọng hơn nữa và phải làm sao để có thể phát huy một cách tối ưu nguồn lực này.
Phát huy nguồn lực tinh hoa, thưa ông, điều này chẳng phải những cấp lãnh đạo cao nhất luôn nói đến và đã thực hiện rồi đó sao?
Đúng vậy, ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 lần này tôi thấy sự chuẩn bị về nhân sự là rất bài bản, kỹ lưỡng và tích cực. Tôi có tham gia trực tiếp giảng dạy cho 5 lớp cán bộ quy hoạch cấp chiến lược và ở đó tôi thấy những gương mặt rất đáng tin cậy trên nhiều phương diện. Có trình độ, được đào tạo bài bản. Tuyệt đại đa số có quá trình công tác dày dạn, thử thách qua nhiều vị trí. Tiếp xúc với họ tôi nhận thấy họ vừa trẻ trung, năng động và nhiều năng lực được phát tiết. Tuy nhiên, đây mới là bước khởi đầu, mới phát hiện ra, tuyển chọn, đặt họ vào vị trí còn làm sao để họ có thể phát huy tốt nhất năng lực lãnh đạo cần phải có nhiều điều kiện, nhiều thử thách trong đó rất cần chú trọng việc rèn luyện thường xuyên đối cán bộ, kể cả người đã trong hàng ngũ có chức, có quyền. Đội ngũ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trẻ phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ. Và đặc biệt, cần có một chiến lược nhân tài, lực lượng dẫn dắt xã hội. Tôi cho rằng chúng ta chưa thực sự làm tốt chiến lược nhân tài.
Xin ông nói rõ hơn?
Câu chuyện ở đây không phải là tìm người tài rồi bồi dưỡng đào tạo từ bé, tưởng bài bản mà hoá ra không mang lại hiệu quả cao. Điều cần thiết ở chiến lược nhân tài là có những cơ chế để tuyển chọn người tài, có những chính sách sử dụng người tài, đánh giá người tài. Giao cho người tài những công việc khó hơn và yêu cầu phẩm chất cao hơn. Dùng người tài chính là then chốt của chiến lược nhân tài. Nếu việc dùng người tài trong đó bao gồm việc tìm, sử dụng, đãi ngộ người tài được thực hiện bài bản, được chú trọng đúng mức thì sẽ thu hút được đội ngũ đông đảo người tài đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Còn nếu bồi dưỡng đào tạo từ tấm bé theo kiểu gà nòi thì sẽ nhầm người học giỏi với người tài - đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Ông có nghĩ rằng hiện còn những rào cản khó vượt qua trong việc sử dụng người tài?
Điều chúng ta đang cần là tính đột phá. Thực tế khách quan giai đoạn phát triển đất nước đang đòi hỏi cần phải đột phá. Nếu như có chủ trương, và phải coi đây là một quyết tâm chính trị thì cả bộ máy sẽ vận hành theo. Đã đến lúc cần người tài ra giúp nước một cách hùng hậu, chúng ta không được phép bỏ phí.
Động lực mới đặt ra khát vọng mới
Ở trên ông có nói tăng cường năng lực lãnh đạo, lý do nào khiến ông cho rằng đó là nội dung thiết yếu thời điểm này?
Có thể nói Việt Nam của chúng ta giai đoạn vừa qua đã nắm bắt nhiều cơ hội để đưa đất nước hội nhập nhanh và rất thành công trên nhiều phương diện. Bên cạnh cơ hội thì chúng ta cần phải nói thêm về thách thức. Sự xáo trộn của thế giới trong năm 2020 vừa qua đã đặt ra quá nhiều vấn đề. Do vậy, thực tế này đòi hỏi sự nhanh nhạy, quyết đoán trong việc đưa ra những chính sách phù hợp và đặc biệt là cần một tầm nhìn chiến lược, một khát vọng rất lớn. Khát vọng phải hiểu như là động lực bên trong, nội lực tự sinh để thúc đẩy phấn đấu vươn lên. Một dân tộc nếu không có khát vọng, không có mục tiêu rõ ràng thì khó có thể phát triển mạnh mẽ.
Chỉ nói khát vọng chung chung thì e là khó thuyết phục, thưa ông?
Tôi còn nhớ cách đây không lâu chúng ta chỉ quan tâm làm sao đủ ăn đủ mặc, nhưng gần đây rõ ràng mối quan tâm của người dân không chỉ dừng lại ở đấy nữa, đã bắt đầu khát vọng vươn lên, cụ thể là quan tâm đến việc Việt Nam đứng ở chỗ nào trên thế giới? Và mong muốn Việt Nam có một vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Với khát vọng như thế thì không chỉ có giải pháp thông thường theo kiểu lo ăn từng bữa được, mà phải có tầm nhìn vươn tới những đỉnh cao, và đó là thách thức chúng ta phải vượt qua.
Một gợi ý của ông về cách thức vượt qua?
Từ góc độ nghiên cứu khoa học, từ một người nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, tôi thấy có một gợi mở là nếu như mình cứ đi khắp Đông, Tây... để học thì giỏi lắm mình cũng chỉ là học trò xuất sắc, còn để sánh vai với người ta thì khó và còn nhiều việc phải làm. Không ai dạy hết cho mình cả. Thêm nữa, và điều này mới quan trọng, đó là văn hoá là yếu tố cốt lõi chi phối tính cách của cả một cộng đồng dân tộc, và cái này thì không học được.
Có thể hiểu ý ông là văn hoá của từng quốc gia, dân tộc sẽ là yếu tố quan trọng quyết định vận mệnh quốc gia đó?
Đúng vậy, người nào cũng thuộc một nền văn hoá nào đó. Cho nên người ta có quyết sách như thế nào đều dựa trên tính cách con người của xứ đó. Lấy ví dụ như có thể học và làm giống như Nhật Bản không? Hàn Quốc không? Câu trả lời là không vì nền văn hoá Nhật Bản rất khác Việt Nam. Hàn Quốc cũng vậy. Tại Viện Nghiên cứu tinh thần Hàn Quốc (nay là Viện Hàn Quốc học) có một khẩu hiệu đại ý là hãy biến tất cả những gì người Hàn Quốc có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Tính nóng nảy, thiếu kiên nhẫn nghe có vẻ là hạn chế nhưng với tính cách mạnh mẽ, quyết liệt thì đầu tư mạo hiểm chính là thế mạnh của người Hàn. Cái đó không có ở người Nhật, mà ở người Nhật là nét tính cách trọng chữ Tín, là sự chắc chắn, phải chắc thắng 100% mới làm. Việt Nam khác hẳn Hàn Quốc, Nhật Bản. Người Việt Nam có ý thức dân tộc rất cao và có tính mềm dẻo, linh hoạt, tháo vát, giỏi ứng biến. Vậy ta phải phát huy đặc tính đó.
Năm 2009 tôi có gặp ông Lý Quang Diệu, tôi ấn tượng với câu nói của ông ấy: Việt Nam có hai tài nguyên cực dồi dào đó là tài nguyên về con người và tài nguyên về cơ hội. Cơ hội là Việt Nam ở vị trí địa chiến lược nên nhiều cơ hội. Con người là người Việt Nam không chỉ có chỉ số EQ thế này thế kia mà còn uyển chuyển, linh hoạt, giỏi xử lý tình huống. Nhưng ông Lý Quang Diệu cũng có lời nhắc kèm theo là chúng ta đang lãng phí hai tài nguyên ấy.
Vận dụng điều này vào thực tế thế nào, thưa ông?
Chúng ta phải chủ động thôi, vừa rồi trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ của Thành phố Hải Phòng có đưa một ý là khai thác tính cách người Hải Phòng. Có thể hình dung đó là văn hoá, đặc tính của con người Hải Phòng. Họ có sự mạnh mẽ, quyết liệt, định làm gì thì làm đến nơi đến chốn.
Tôi lấy ví dụ như Hàn Quốc, cuối những thập niên 50 đầu những thập niên 60 của thế kỷ trước Hàn Quốc khó khăn hơn Việt Nam thời kỳ sau năm 1975. Lúc đó Hàn Quốc có hơn 200 triệu USD tiền bồi thường chiến tranh từ Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc khi ấy quyết định không dùng số tiền này để cứu đói mà dành toàn bộ để xây dựng một nền công nghiệp thép.
Tôi đã gặp người được giao nhiệm vụ khi đó, ông Park Tae-Joon, người sáng lập POSCO (một trong những tập đoàn thép hàng đầu thế giới). Ông Park Tae-Joon tâm sự là khi ấy chỉ nghĩ nếu không thành công thì mấy lần chết cũng không đền được tội vì đó là tiền của dân. Bài học đó khiến cho ta phải suy nghĩ. Làm gì cũng phải quyết liệt thì mới thành công, còn vừa làm vừa do dự thì khó mà thành công được.
Ông đã nói về ưu điểm tính cách cần tận dụng, vậy nhược điểm cần hạn chế là gì?
Nền kinh tế truyền thống tạo ra con người có 3 nhược điểm lớn: Thứ nhất là tính tham vặt, đó là đặc điểm hạn chế không trừ một ai nếu sinh ra ở vùng trồng lúa. Thứ hai là tầm nhìn. Trồng lúa đâu cần tầm nhìn xa, chỉ cần chút kinh nghiệm trông trời, trông đất, trông mây, và năm nào nó cũng diễn ra như vậy. Do đó, tầm nhìn bị hạn chế. Thứ ba là sự đố kỵ, ghen tỵ. Cho nên khi làm chiến lược nhân tài, để thắng được những nhược điểm ấy của truyền thống thực sự không dễ.
Giải pháp cần bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Vấn đề là nhận thức. Vấn đề gì cũng sẽ hoá giải được nếu như có nhận thức. Nhưng nhận thức hiện chưa thay đổi một cách thực sự quyết liệt, chưa đồng bộ. Ở ta hiện còn tình trạng một người có cái gì mới, nổi trội thì sự nâng đỡ luôn ít ỏi, nhỏ nhoi, yếu ớt, còn lại thì phê phán. Cho nên hãy bắt đầu từ nhận thức và đổi mới tư duy, hãy bắt đầu từ những đổi mới trong từng chính sách, dù nhỏ thôi cũng được.
“Năm 2009 tôi có gặp ông Lý Quang Diệu, tôi ấn tượng với câu nói của ông ấy: Việt Nam có hai tài nguyên cực dồi dào đó là tài nguyên về con người và tài nguyên về cơ hội. Cơ hội là Việt Nam ở vị trí địa chiến lược nên nhiều cơ hội. Con người là người Việt Nam không chỉ có chỉ số IQ thế này thế kia mà còn uyển chuyển, linh hoạt, giỏi xử lý tình huống”. |
Tôi hy vọng vào sức trẻ
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đưa đến cho ông những kỳ vọng gì về tiền đề phát triển của đất nước?
Trước hết là sức trẻ, điều đấy không có nghĩa là người già thì trì trệ, nhưng nó gối nhau, vì toàn người già thì sẽ có vấn đề. Tiếp đó là đã đến thời kỳ vị trí quan chức không còn là nơi để hưởng thụ nữa. Tài nguyên thì cạn kiệt, nợ công nhiều... Cho nên tình hình mới sẽ buộc đội ngũ hiện tại phải nỗ lực hết sức mình.
Cá nhân ông cho rằng thành quả, chủ trương nào của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 cần được kế thừa và triển khai quyết liệt trong nhiệm kỳ mới này?
Trong nhiệm kỳ vừa qua, số Uỷ viên Bộ chính trị và uỷ viên TW Đảng bị kỷ luật nhiều chưa từng có trong lịch sử. Đó là tổn thất, nhưng về phương diện khác thì lại là cuộc đại phẫu. Mình mổ xẻ lấy ra những cái hạch, cái nhân để phát triển một cơ thể lành mạnh.
Xét về góc độ ấy thì đó lại là đại thắng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12. Từ Khoá 12 sẽ chiếu rọi vào những gì mà ta phải làm trong 5 năm tới. Vậy căn nguyên tạo ra những khối u mà chúng ta phải cắt gọt ấy là gì? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rồi, chúng ta có một chính quyền mạnh nhưng giám sát quyền lực chưa đủ. Vì vậy giám sát quyền lực phải đặt lên vị trí quan trọng.
Một mong mỏi cô đọng nhất cho năm mới Tân Sửu của bản thân, thưa ông?
Tự tin và khát vọng. Khát vọng là nói đến ước muốn của mình, nhưng để thực hiện phải tự tin vào chính mình. Đấy chính là khái quát cảm xúc của tôi cho năm 2021.
Trân trọng cảm ơn ông!
Xây dựng một cộng đồng an sinh xã hội ASEAN đồng thuận và phát triển, vì lợi ích của người dân Ngày 9/12, Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 37 (ASSA 37) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội". |
Việt Nam tập trung phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0 Ngày 28/10, Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 26 và Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 (ALMM+3) lần thứ 11 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Indonesia. |
Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển (VRDF) diễn ra sáng nay (29/9). |