Hát ru của người Tày tỉnh Bắc Kạn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Hát ru của người Tày tỉnh Bắc Kạn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Báo Bắc Kạn). |
Cụ thể, theo quyết định số 1400/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 1/6/2023 đã đưa nghệ thuật trình diễn dân gian hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hát ru là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng với những lời ca mộc mạc, giản dị, thiết tha, chân tình, bắt nguồn từ cuộc sống lao động cần cù, gian lao của người Tày. Từ xa xưa các làn điệu hát ru được lan truyền theo hình thức truyền miệng. Đó là những làn điệu của người lớn hát ru trẻ nhỏ, chủ yếu là khi còn nằm trên nôi, khi địu trên lưng, khi bồng bế ru ngủ…
Nội dung hát ru kể về cuộc sống sinh hoạt thường ngày với những câu chuyện bình dị, dí dỏm, thông qua những làn điệu ngân nga của người lớn để trẻ nhỏ có giấc ngủ sâu… Nhân vật trong bài hát ru rất phong phú, như con trâu, gà, lợn, muồm muỗm, con chim nhỏ hay quả dưa trên nương, nhưng là biểu hiện sâu sắc tình yêu thương của người lớn dành cho những đứa trẻ.
Điểm đặc biệt là hát ru của người Tày Bắc Kạn không chỉ là đặc quyền riêng dành cho các bà, các chị, các mẹ mà cả nam giới cũng có thể tham gia, thực hành được. Trên cơ sở lối hát ru truyền thống, người hát có thể thêm vào phần lời mới do mình tự sáng tác thêm để lời hát có ý nghĩa, truyền tải được tình cảm của cá nhân gửi gắm trong lời ru.