An Giang: Nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Trao bằng chứng nhận nghề làm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Báo An Giang). |
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên đã tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer là nghề thủ công truyền thống, chứa đựng những yếu tố văn hóa đặc trưng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội hiện nay.
Quyết định 376/QĐ-BVHTTDL về việc công bố đưa nghề làm đường thốt nốt vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Khmer tại TX.Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, là tiền đề để chính quyền, cộng đồng Khmer nâng cao ý thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá dân tộc.
Được biết, vụ thốt nốt bắt đầu từ tháng 10 âm lịch năm này đến đến tháng 4 âm lịch năm sau. Người Khmer ở An Giang leo lên ngọn cây thốt nốt, đặt dụng cụ để hứng nước từ cuống hoa. Đây là nguyên liệu để bà con dùng nấu đường, cho ra những mẻ đường, thẻ đường thốt nốt vàng ươm, thơm ngon. Trải qua thời gian, với kinh nghiệm dân gian truyền đời, bà con huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên nắm giữ những bí quyết thực hành nghề làm đường thốt nốt, làm nên di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng ở địa phương. Đường thốt nốt là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon như nấu chè, làm dưa cải… nhưng đặc sắc nhất là món bánh bò thốt nốt vang danh.
Nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 8 của An Giang sau: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam; hội đua bò Bảy Núi, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc Khmer; lễ hội kỳ yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn); nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam thị xã Tân Châu và huyện An Phú; nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu); nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì Kê của người Khmer xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn).
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tặng “Nhà tình nghĩa” cho người có công với cách mạng tại An Giang Sáng 29/7, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà tài trợ tổ chức khánh thành, bàn giao “Nhà tình nghĩa” tặng gia đình bà Lê Thị Út, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đại tá Nguyễn Đức Cầu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng chủ trì lễ bàn giao. |
Thông tin về tình hình biển đảo đến hơn 3000 người ở An Giang Từ ngày 29/7 đến 2/8, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang tổ chức thông tin, tuyên truyền biển, đảo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. |