Hà Nội: “Hội thề trung hiếu" là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
“Hội thề Trung Hiếu” đền Đồng Cổ, Hà Nội được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân). |
Đền Đồng Cổ (đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ) được xây dựng vào thời Lý, gắn với “Hội thề trung hiếu”. Theo sử sách, bia ký để lại, hội thề do vua Lý Thái Tông (1028-1054) khởi xướng với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Về sau hội thề vẫn được duy trì ở thời Trần và Lê. Ngày nay, Lễ hội đền Đồng Cổ và "Hội thề trung hiếu" được tổ chức vào ngày mồng 3 và 4 tháng tư âm lịch hằng năm.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, mặc dù đây không phải là nơi gốc tích thờ Thần Đồng Cổ, bởi vốn nơi Đền thờ Thần Đồng Cổ ở Núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, chỉ ở Đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ mới có Hội thề Trung hiếu. Một lễ hội duy nhất, độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách Việt Nam, truyền thống Việt Nam.
Tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng ghi danh “Hội thề trung hiếu” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ. Sau nghi lễ đánh trống, chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân.
Nhân kỷ niệm 995 năm Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ và “Hội thề trung hiếu”, UBND Quận Tây Hồ đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Tọa đàm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Hội thề trung hiếu”; tổ chức chương trình ngoại khóa giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho học sinh; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng… Lễ hội đền Đồng Cổ diễn ra các hoạt động quan trọng như: Nghi lễ dâng hương; lễ thề; đội tế nam, sênh tiền hành lễ…