Hà Nội: Quyền lợi BHYT của người dân khi khám chữa bệnh ở quận/huyện khác nơi đăng ký ban đầu ra sao?
Liên quan tới thắc mắc về hướng dẫn KCB ban đầu, cơ quan BHXH thành phố Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 22 Luật BHYT, trường hợp người dân đăng ký KCB BHYT ban đầu tại quận này nhưng tự đi KCB tại cơ sở KCB ở quận khác cùng thành phố và thực hiện đầy đủ thủ tục KCB BHYT (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) được quỹ BHYT thanh toán như sau:
Trường hợp người dân đăng ký KCB BHYT ban đầu tại bệnh viện tuyến huyện/phòng khám đa khoa/trạm y tế tuyến xã:
Đi KCB tại bệnh viện tuyến huyện/phòng khám đa khoa/trạm y tế tuyến xã được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT.
Đi KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT; quỹ BHYT không thanh toán trong trường hợp KCB ngoại trú.
Hết tháng 6/2024, độ bao phủ BHYT tại Hà Nội đạt 94,33% (Ảnh: T.L). |
Đi KCB tại bệnh viện tuyến Trung ương được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT; quỹ BHYT không thanh toán trong trường hợp KCB ngoại trú.
Trong trường hợp người dân đăng ký KCB BHYT ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh/trung ương:
Đi KCB tại bệnh viện tuyến trung ương: quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT; quỹ BHYT không thanh toán trong trường hợp KCB ngoại trú.
Đi KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh: quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT; quỹ BHYT không thanh toán trong trường hợp KCB ngoại trú.
Đi KCB tại bệnh viện tuyến huyện: quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT.
Đi KCB tại phòng khám đa khoa hoặc trạm y tế xã: Không được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB.
Liên quan tới thắc mắc về việc có được cộng nối thời gian tham gia BHXH tự nguyện với BHXH bắt buộc, cơ quan BHXH TP Hà Nội trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 3, khoản 3 Điều 5 Luật BHXH năm 2014, thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng.
Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH.
Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.
Vì vậy người lao động tham gia BHXH tự nguyện thì thời gian đóng BHXH bắt buộc trước đó (nếu chưa tính hưởng BHXH một lần) được cộng với thời gian đóng BHXH bắt buộc trước đó để giải quyết chế độ BHXH theo quy định.
Hà Nội tăng độ bao phủ BHYT Theo BHXH TP Hà Nội: Nếu như các năm 1995, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 13,9% và 77,23% dân số, thì đến hết năm 2023 và ước hết tháng 6/2024 lần lượt độ bao phủ BHYT đạt 94% và 94,33% dân số. Đồng thời, việc đảm bảo quyền lợi KCB cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Số lượt người được KCB BHYT tại Hà Nội tăng nhanh qua từng năm: Năm 1995, Hà Nội có 1,6 triệu lượt người KCB BHYT đến năm 2023 là 12.621.067 lượt KCB BHYT được đảm bảo quyền lợi. |