Hà Nội: “Không bán thuốc ho, sốt nếu khách không khai báo y tế”
Bộ Y tế: Nhập thuốc hiếm cứu sống phi công người Anh mắc COVID-19 |
Video: Trao tặng 1.000 bộ đồ bảo hộ y tế cho Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam |
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội sáng 13/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu toàn bộ các hiệu thuốc phải báo cáo về tất cả các trường hợp “người mua thuốc cảm, thuốc ho, thuốc sốt” nhằm tăng cường kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
Chị Nguyễn Thu Quỳnh, dược sĩ ở một hiệu thuốc trên phố Hoàng Văn Thái (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) cho biết trong những ngày gần đây số lượng người đến mua thuốc điều trị ho, sốt, cảm cúm không nhiều.
“Một ngày chỉ có vài người đến mua thuốc ho, cảm cúm vì đang trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. Phần lớn mọi người mua thuốc tiêu hóa, viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất, nước súc miệng, cồn, nước rửa tay…”, chủ hiệu thuốc thông tin.
Nhân viên y tế giúp khách thực hiện khai báo y tế khi mua thuốc ho, sốt/. |
Theo chị Quỳnh, bắt đầu từ sáng 14/4 Trạm Y tế phường Khương Trung đã cử cán bộ xuống từng cửa hàng thuốc để phổ biến thông tin và hướng dẫn các cửa hàng thực hiện tờ khai y tế đối với toàn bộ khách đến mua thuốc ho, sốt.
Trong tờ khai này, người mua thuốc phải khai báo những thông tin cá nhân gồm: họ tên, năm sinh, số điện thoại, địa chỉ nơi ở rõ ràng đến từng số nhà. Toàn bộ các thông tin liên quan đến lịch trình đi lại liên quan đến các vùng dịch nước ngoài, ổ dịch trong nước và cả các ổ dịch ở Hà Nội trong vòng 14 ngày gần đây.
Người mua cũng phải trả lời các thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe hiện tại với các triệu chứng như: sốt, ho, đau họng, hắt hơi, chảy nước mũi, mỏi cơ, khó thở, tức ngực.
Ngoài ra, ở phía cuối tờ khai còn ghi rõ thông tin về các loại thuốc mua để thuận tiện cho việc theo dõi và nắm bắt tình trạng sức khỏe của khách đến mua thuốc.
Theo chị Quỳnh, với những người đến mua, các nhân viên đều giải thích để người dân hiểu đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, mọi thông tin cá nhân trên tờ khai đều được bí mật. Đã có nhiều người hợp tác nhưng không phải ai cũng sẵn sàng hợp tác để chia sẻ những thông tin này.
“Những người mua thuốc về để dự trữ thì người ta cũng chưa có các dấu hiệu như ho, sốt do đó họ sẽ ngại điền vào tờ phiếu này”, chủ cửa hàng thuốc này cho biết.
Chị cho biết thêm: “Thực tế, hơn 1 ngày thực hiện khai báo y tế, cửa hàng mới có 7 khách đến mua thuốc liên quan đến sốt, ho, cảm cúm và tất cả đều viết tờ khai đầy đủ. Tôi cũng sẽ không bán thuốc nếu như khách không chịu thực hiện theo quy định”.
Tại cửa hàng thuốc Pharmacity tại Đội Cấn (Ba Đình), nhân viên bán thuốc cũng có sẵn các mẫu khai báo y tế đối với những khách hàng đến mua thuốc ho, hạ sốt.
“Với những người đến mua, chúng tôi đều giải thích để người dân hiểu đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn. Mọi thông tin cá nhân trên tờ khai đều được bí mật. Ban đầu có nhiều người vẫn e ngại, nhưng sau khi giải thích, hiểu ra vấn đề, người mua thuốc đều hợp tác”, Chị Trần Thu Nga, dược sỹ tại hiệu thuốc này cho hay.
Vừa bước ra từ hiệu thuốc, Vũ Ngọc Hà (trú tại phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân) cho biết vừa mua một vỉ thuốc cảm cúm do bắt đầu bị sốt nhẹ từ tối qua.
Về việc viết tờ khai y tế khi mua loại thuốc này, Hà cho rằng đây là biện pháp để đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch bệnh.
“Tôi cũng có chút lo lắng khi viết khai báo y tế tại cửa hàng vì yêu cầu khai số điện thoại, nếu như những thông tin này không được quản lý chặt chẽ thì rất dễ gây phiền phức”, anh nói.
Ngày 15/4, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, đề nghị các sở y tế chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc) trên địa bàn thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đối với trường hợp bán thuốc không kê đơn, nhân viên bán lẻ cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước của quy trình bán thuốc, thông tin, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc không kê đơn, khai thác rõ tiền sử bệnh của người mua thuốc. Trường hợp người mua thuốc có các triệu chứng sốt, ho, khó thở…, cần phải hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn thêm. Đồng thời, cơ sở bán lẻ thuốc báo cáo cho cơ quan y tế chức năng trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19 để tiến hành theo dõi, giám sát. |
Bộ Y tế: Nhập thuốc hiếm cứu sống phi công người Anh mắc COVID-19 Bệnh nhân 91 nhiễm COVID-19 nhưng bị đông máu, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Bộ Y tế đã tiến hành đặt mua ... |
Phòng COVID-19: Chủ tịch Hà Nội yêu cầu báo cáo tất cả “người mua thuốc cảm” Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu tất cả các hiệu thuốc trên địa ... |
Bộ Y tế: Không cố truy tìm F0 đã mất dấu, tập trung dập dịch COVID-19 Đối với những trường hợp ca bệnh đã mất dấu F0, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng việc quan trọng nhất ... |