GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành: người Việt ở Hội đồng thẩm định khoa học Ba Lan
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành phát biểu tại một Hội thảo khoa học. Ảnh: GDTĐ |
Không ngại khám phá
GS.Nguyễn Ngọc Thành sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha ông là một thầy giáo dạy toán tâm huyết và chính là người đã truyền cho ông niềm say mê với Toán học ngay từ tuổi nhỏ.
Tuổi thơ của GS Nguyễn Ngọc Thành gắn liền với những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nhiều thiếu thốn, khó khăn. Cũng giống như bạn bè cùng trang lứa, những bước chân tới trường của ông luôn gắn liền với chiếc mũ rơm. Lên cấp 3, cậu bé Nguyễn Ngọc Thành rời Quảng Bình, bắt đầu cuộc sống xa nhà khi trở thành học sinh lớp chuyên toán Trường Quốc học Huế.
Với niềm say mê học tập, ý chí bền bỉ của người con miền “cát trắng, gió lào”, Nguyễn Ngọc Thành đã tốt nghiệp phổ thông loại xuất sắc và được Nhà nước cử đi du học tại Ba Lan. Ban đầu, ông được phân về học tại khoa Toán ứng dụng Trường Đại học Bách khoa tại Ba Lan. Nhưng với bản tính ưa khám phá, ham tìm hiểu những điều mới lạ, ông đã mạnh dạn xin chuyển sang khoa Máy tính, ngành học chưa có ở quê hương Việt Nam.
Động lực từ hai tiếng “Việt Nam”
“Những năm 70-80 của thế kỷ trước, có nhiều buổi học đi liền với cái đói. Ước mơ muốn có một bữa cơm no trở nên xa xỉ với những học sinh nghèo. Sang Ba Lan du học, thủa ban đầu hàng rào ngôn ngữ gây không ít khó khăn cho tôi. Buổi đầu khi chập chững bước vào con đường nghiên cứu khoa học, một số công trình của tôi đã bị hội đồng nghiên cứu khoa học gạt đi…” GS.Nguyễn Ngọc Thành kể lại.
Thế nhưng, thay vì chán nản, buồn rầu, ông lại chọn cách nhìn nhận thất bại từ một góc độ tích cực. Với Nguyễn Ngọc Thành, đó là động lực để tiếp tục học hỏi, để chứng minh với bạn bè quốc tế về tài trí, nghị lực của người Việt Nam trong việc làm chủ tri thức công nghệ thông tin.
Với khát vọng ấy, ông đã trở thành niềm tự hào của không chỉ người Việt tại Ba Lan, mà còn ở khắp nơi trên thế giới khi nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 26, được phong hàm GS khi mới 43 tuổi cùng nhiều bằng phát minh khoa học được công bố. GS Nguyễn Ngọc Thành là thành viên cao cấp của tổ chức lớn nhất thế giới về máy tính IEEE, ACM (Mỹ).
GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành nhận danh hiệu Giáo sư do Tổng thống Ba Lan phong năm 2009. Ảnh: tuanvietnam |
Ông cũng là thành viên ban biên tập của hàng chục tạp chí quốc tế, là tác giả và đồng tác giả của hơn 170 công trình khoa học đã được công bố ở Ba Lan và nhiều quốc gia, là giảng viên tại hơn 30 trường Đại học có uy tín các nước.
Với những thành tựu đáng kể trên, tháng 6/2019, GS.Nguyễn Ngọc Thành đã được bầu vào Hội đồng thẩm định chất lượng khoa học Ba Lan, với số phiếu bầu cao thứ nhì trong tổng số 9 ứng cử viên của ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Đặc biệt, ông cũng là thành viên nước ngoài đầu tiên của Hội đồng này tại Ba Lan.
Trái tim cho quê hương
GS Nguyễn Ngọc Thành được Tổng thống Ba Lan đặc cách cho giữ song song hai quốc tịch, và đó cũng là ý nguyện của nhà khoa học yêu quê hương này.
Dù đã sống xa quê hàng chục năm trời, nhưng trong tâm trí GS Thành, ngôi nhà ngói đơn sơ có đồng lúa xanh, cây cau, giếng nước vẫn không bao giờ phai mờ. Quê hương, Tổ quốc vẫn là nơi trái tim ông luôn khắc khoải hướng về.
GS Nguyễn Ngọc Thành tại cuộc họp chuẩn bị cho ACIIDS. Ảnh: GDTĐ |
Với khát vọng được đóng góp cho quê hương, ông đã sáng lập ra Hội thảo quốc tế hàng năm mang tên "Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh" (ACIIDS). Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Đại học Quảng Bình vào năm 2009, quy tụ nhiều nhà khoa học uy tín từ hàng chục quốc gia. Năm 2018, ACIIDS trở lại Quảng Bình, kỷ niệm mùa thứ 10, thu hút hơn 300 nhà khoa học đến từ 42 quốc gia. Thông qua Hội thảo, GS. Nguyễn Ngọc Thành không chỉ tạo động lực cho sự phát triển khoa học kỹ thuật nước nhà, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung tới thế giới, với việc tổ chức các chuyến tham quan danh thắng quê hương cho bạn bè quốc tế.
Đó là một trong những cách mà GS.Nguyễn Ngọc Thành đã lựa chọn để thực hiện ước mơ của mình, như ông từng tâm sự:
"Ước mơ của tôi là mong sao thế hệ trẻ trên quê hương Quảng Bình sớm tiếp cận với các nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Tôi luôn động viên các em sinh viên hãy mạnh dạn đặt câu hỏi khi tiếp cận với các nhà khoa học, cần cho họ biết rằng thế hệ trẻ Quảng Bình có nhiều người tài năng. Lĩnh vực tin học còn có rất nhiều điều để khám phá phát minh và ứng dụng."
Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin trao nhà nhân ái cho hai chị em khó khăn tại Yên Bái Sau gần 1 tháng thi công xây dựng, ngôi nhà nhân ái dành cho 2 chị em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Vĩnh ... |
Giáo sư Võ Văn Tới - Việt kiều muốn sáng tạo sản phẩm y khoa “made in Vietnam” Quyết định rời nước Mỹ phồn hoa, bỏ lại sau lưng sự nghiệp đang trên đỉnh cao, Giáo sư Võ Văn Tới đã trở về ... |
Người mẫu thể hình gốc Việt: Cậu bé gầy gò và hành trình phá vỡ định kiến Thật khó để không chú ý đến Đoàn Việt – một chàng trai gốc Việt đang sống tại Úc: Vai rộng gấp ba lần thắt ... |